“Tin tưởng VRG luôn phát huy giá trị truyền thống ngày càng vẻ vang”

Ông Dương Kỳ Trung – nguyên Quyền Chủ tịch HĐQT TCT Cao su VN đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Tạp chí Cao su. Theo ông, Tập đoàn CN CSVN hiện nay phát triển lớn mạnh là nhờ bề dày lịch sử của ngành.

“Cao su là cây anh hùng”

Cuối năm 1981, tôi về công tác trong ngành cao su, được phân công làm Phó Giám đốc Công ty Vật tư Thiết bị thuộc Tổng cục Cao su. Lúc bấy giờ, công ty này được ví như cái “dạ dày” của ngành, bởi tất cả vật tư thiết bị phục vụ sản xuất đều được phân phối từ đây. Năm 1983, theo chủ trương của Tổng cục phát triển cao su lên Tây Nguyên, Công ty Vật tư Thiết bị phải thành lập chi nhánh tại Đăk Lăk, đảm bảo vật tư đến các công trình.

Thời kỳ đầu vô cùng cực khổ và khó khăn. Khai hoang chủ yếu thủ công, bom đạn trong lòng đất còn nhiều, công nhân bị tổn thương mất mát. Đời sống công nhân rất cực, còn trồng mới cao su vốn không có, các giám đốc công ty Tây Nguyên cũng khổ. Tôi còn nhớ cuối năm 1986, lúc bấy giờ đồng chí Đỗ Mười làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đi khảo sát tình hình cao su. Đồng chí có nhận xét, công nhân cao su lúc bấy giờ còn khổ hơn công nhân thời Pháp.

Kể từ 1987 trở đi, cao su ổn định, tình hình có khá hơn. Năm 1991 tôi được điều về làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty (TCT), phụ trách mảng xuất khẩu, hợp tác đầu tư. Khi Tổng cục giải thể chuyển sang TCT, tình hình cũng rất khó khăn. Để thực hiện các dự án phải chạy ra Hà Nội, xin Bộ Nông nghiệp từng dự án, thuyết trình lên xuống rất tốn thời gian, công sức.

Trong tình hình đó, Bộ Nông nghiệp còn tính giải thể TCT đưa các CTCS về địa phương. Tuy nhiên, không tỉnh nào đồng tình vì vốn đầu tư cao su khá lớn, ngân sách của tỉnh không thể gánh nổi. Thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ có đề án thành lập các TCT 91 và 90, trực thuộc Chính phủ và các Bộ. Tôi được phân công cùng với đồng chí Lê Mười và một số đồng chí khác viết đề án phát triển cao su giai đoạn những năm 1990 đến sau năm 2000. Sau đó, Thủ tướng quyết định nghe báo cáo đề án phát triển cây cao su. Lúc bấy giờ, trong một cuộc họp tại Văn phòng Bộ Nông nghiệp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, đồng chí TGĐ TCT Phạm Sơn Tòng báo cáo đề án. Sau khi nghe trình bày đề án và những ý kiến đóng góp khác nhau, Thủ tướng Võ Văn Kiệt kết luận rằng: “Cây cao su là cây anh hùng, nên phải đưa TCT cao su vào TCT 91 trực thuộc Chính phủ”. Nghe vậy, chúng tôi rất phấn khởi, bụng tôi như mở cờ, mừng lắm.

VRG có đủ cơ sở để phát triển bền vững

Tôi nhớ mãi, cuối năm 1996, lúc bấy giờ đồng chí Đỗ Mười làm Tổng Bí thư có gọi tất cả Bí thư các công ty thành viên thuộc TCT 91 và 90 ra Hà Nội họp để nghe báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh và công tác tổ chức Đảng của các TCT. Đồng chí có gọi tôi lên phát biểu. Tôi báo cáo tình hình cao su có khá hơn, có thể tự cân đối được, đời sống công nhân được cải thiện hơn nhiều. Ngoài làm công nhân, họ còn phát triển kinh tế gia đình, tăng gia sản xuất, nhiều hộ công nhân không những có của ăn của để mà còn vươn lên làm giàu. Nghe vậy đồng chí Tổng Bí thư mừng lắm và nói “cao su là một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam, các đồng chí cố gắng làm tròn nhiệm vụ Đảng giao”.

Tôi cho rằng, thành lập TCT 91 là khởi điểm, là điểm xuất phát để thành lập Tập đoàn cao su hiện nay. Có thể khẳng định, thành tựu hiện nay có sự đóng góp rất nhiều của công nhân cao su trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Ngoài ra, có sự đóng góp rất lớn của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tổng cục, TCT cao su qua các thời kỳ như ông Tư Trần, Tư Nguyện, Tư Hy…

Năm nay, kỷ niệm 85 năm truyền thống Ngành Cao su, tôi thấy rằng VRG có đầy đủ cơ sở để phát triển ngày càng vững mạnh. Mặc dù, thời buổi hiện tại, tình hình thế giới, tình hình khu vực, tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp nhưng tôi luôn tin rằng VRG luôn luôn đi đầu và quyết tâm xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững. Tập thể CB.CNVC-LĐ VRG luôn giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống, bề dày lịch sử của ngành ngày càng vẻ vang.

Phan Thắng (ghi)