Thực hiện tái cơ cấu VRG: Làm quyết liệt và chắc chắn

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT về tiến độ thực hiện Tái cơ cấu của VRG, thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 5/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu của VRG và triển khai Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3 của Chính phủ.

Cổ phần hóa 5 công ty đến 2015

Đến 31/3/2014, VRG đã thoái được 23% vốn ở Công ty CP Sài Gòn VRG. Đã triển khai thực hiện đề án trong toàn Tập đoàn, phối hợp cùng Bộ NN&PTNT hoàn chỉnh điều lệ Tập đoàn trình Chính phủ ban hành, xây dựng xong phương án thoái vốn cho 25 công ty ngoài ngành chính.

Hiện có một số khó khăn trong vấn đề thoái vốn như Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn, Công ty CP VRG Phú Yên, VRG Đăk Nông đều do VRG bảo lãnh nên không thể tổ chức đấu giá vì bên mua phải thay VRG bảo lãnh nguồn vốn vay ngân hàng. Do vậy VRG đang tích cực tìm kiếm đối tác để bán trực tiếp. Vẫn còn nhiều đơn vị đang đầu tư dở dang như Công ty CP Đầu tư BOT Quốc lộ 14 An Lộc – Hoa Lư nên việc thoái vốn không thể thực hiện do độ tin cậy tạo ra cho nhà đầu tư rất thấp, VRG đề nghị thoái vốn khi đã hoàn thành đầu tư…

Về kế hoạch cổ phần hóa từ nay cho đến năm 2015, VRG dự kiến sẽ cổ phần hóa (CPH) 2 công ty trong năm 2014 là CTCS Bà Rịa, Tân Biên và 3 công ty trong năm 2015 là CTCS Phú Riềng, Bình Long, Lộc Ninh.

Ông Trần Thoại, Phó TGĐ VRG cho biết, hiện VRG đang tập trung thoái vốn các đơn vị đầu tư ngoài ngành, tập trung vào 22 đơn vị trong năm 2014-2015, sau năm 2015 sẽ tiếp tục với các đơn vị còn lại. Do ngành cao su là ngành đặc thù, hiện giá mủ đang xuống thấp nếu cổ phần hóa ồ ạt sợ “dội chợ” thị trường không ai mua, nên chờ thị trường ổn định.

Làm quyết liệt theo chủ trương của Chính phủ

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, tái cơ cấu là chủ trương của Chính phủ, việc thoái vốn và CPH phải thực hiện đồng bộ và quyết liệt. Thật chắc chắn mới làm. Không phải làm theo phong trào hoặc làm cho có để báo cáo. Trước mắt CPH 5 đơn vị mà VRG đưa ra, đồng thời phải nhanh chóng rà soát lại việc tái cơ cấu trong từng đơn vị. Xem lại những việc đã làm được, những việc gì cần phải khắc phục và tìm nguyên nhân khắc phục.

Ông Tuấn cũng cho rằng, việc CPH, thoái vốn là cơ hội cho các doanh nghiệp, tập trung phát triển nguồn lực kinh doanh chính, không đầu tư dàn trải. VRG cũng phải có chiến lược phát triển từ nay cho đến 2020 trình Bộ NN&PTNT xem xét để trình Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch thoái vốn tập trung vào quý III/2015. Các công ty, Tập đoàn phải rà soát lại, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu. Tái cơ cấu phải làm quyết liệt nhưng phải khả thi, nghiêm túc, quyết tâm cao.

VRG cũng đã thành lập Ban đổi mới doanh nghiệp và tổ chức nhiều cuộc họp định kỳ, xây dựng lộ trình thoái vốn, CPH từ nay đến 2015. Tại cuộc họp mới nhất với Ban đổi mới doanh nghiệp VRG, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận, cũng cho biết, hiện VRG có sự chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới về tổ chức, sẽ thành lập Ban chỉ đạo Tái cơ cấu, dưới Ban chỉ đạo là Ban tổ chức thực hiện, 3 Tổ thường trực tái cơ cấu, thoái vốn và sắp xếp doanh nghiệp. Xác định thực hiện Tái cơ cấu, thoái vốn, CPH là chủ trương nhưng đây là một quá trình hết sức chặt chẽ, có tính toán, có lộ trình nghiên cứu cụ thể và làm một cách bài bản.

Minh Tâm