Ký ức tranh cổ động thời chống Mỹ

Đã có những năm tháng mà trong ký ức của nhiều người, mỗi khi ra đường là gặp tranh cổ động. Những bức tranh ấy đã từng một thời chia sẻ và động viên con người kiên gan bền vững trong khói lửa chiến tranh. Tranh cổ động được hiểu là tranh tuyên truyền. Đây là một loại hình nghệ thuật mang tính thời sự, đi vào cuộc sống nhanh chóng và rộng rãi bởi những thông điệp cần thiết được thể hiện cụ thể rõ ràng.

Tranh cổ động
Tranh cổ động

Chữ “cổ” trong tiếng Hán là cái trống, tranh cổ động như tiếng trống thúc giục lòng người hành động, còn “affche” trong tiếng Pháp lại bao hàm những ngữ nghĩa: niêm yết, quảng cáo, tuyên truyền, giới thiệu về một lĩnh vực, một nội dung cụ thể gồm nhiều thể loại: tranh cổ động hàng hóa, tranh cổ động phim ảnh, sân khấu, sách báo văn hóa phẩm, tranh cổ động chính trị…

Vì thế loại tranh này chủ yếu là tranh tuyên truyền chính trị, nên người họa sĩ không chỉ sáng tác mà còn là người tham gia vận động tuyên truyền trên mặt trận văn hóa – tư tưởng. Họ cũng phải hừng hực chất lửa trong người, nhạy bén với thời cuộc của dân tộc và thời đại thì mới vẽ ra được bức tranh cổ động kịp thời, đáp ứng nhu cầu và có giá trị lâu dài.

Một bức tranh cổ động đẹp, sinh động, đạt yêu cầu và đọng lại trong ký ức công chúng chẳng phải đơn giản. Khởi sinh vào thời điểm đất nước đang khó khăn, tranh cổ động thời chống Mỹ là thời hoàng kim nhất. Trước những khó khăn chung, người họa sĩ đã linh hoạt tận dụng nhiều nguyên vật liệu khác nhau, thường sử dụng mô típ vốn có trong cuộc sống. Màu vàng phải pha từ thuốc kí ninh, màu đỏ từ gạch non, còn bút vẽ nhiều khi tiện gì thì vẽ bằng cái đó. Màu sơn chủ yếu là màu sơn cửa… Tất cả nhằm để thể hiện sự giản dị và dễ hiểu, khắc họa được nội dung tư tưởng có tầm chiến lược. Người ta có thể đếm nhịp bước chiến thắng qua từng bức tranh cổ động đánh những dấu mốc phát triển, qua từng con số máy bay Mỹ bị bắn hạ ở miền Bắc ngày một tăng…

Dòng tranh này đã khởi sinh và song hành cùng với đất nước trong những năm tháng cam go nhất của lịch sử. Giờ đây, nó chỉ còn là ký ức của một thời và trở thành thứ quý giá của các nhà sưu tập tranh. Từ khi đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập, cùng với nền kinh tế thị trường, tranh cổ động hàng hóa lên ngôi, chiếm vị trí chủ đạo trên những trục đường giao thông lớn. Các kỹ thuật in ấn ra đời đáp ứng nhu cầu thị trường hơn. Tranh cổ động chỉ còn lại trong các trưng bày. Dấu ấn của niềm tự hào ngày xưa chỉ còn đâu đó bùi ngùi trong mắt của người họa sĩ – người chiến sĩ cầm cọ trong đời sống hôm nay.

Thụy Lam