CSVN – Chủ trương chung của VRG hiện nay là không mở rộng diện tích vườn cây cao su mà thay vào đó các đơn vị cần phải đầu tư thâm canh. Đồng thời chú ý đến công tác giống và tuân thủ quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, quản lý và khai thác để nâng cao năng suất vườn cây. Năng suất vườn cây bền vững trên 2 tấn/ha là mục tiêu quan trọng các đơn vị hướng đến. Hiện nay, một số đơn vị đã có những vườn cây năng suất đạt trên 3 tấn/ha. Cao su Việt Nam tổ chức chuyên đề “Nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây” để giới thiệu các điển hình có năng suất cao, cũng như là diễn đàn để ghi nhận ý kiến trao đổi kinh nghiệm của các đơn vị. Kính mời quý bạn đọc cùng theo dõi.
Ông Vi Văn Toàn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật Tây Nguyên (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam): Khu vực Tây nguyên kỳ vọng vào chu kỳ 2
Hiện nay nhắc đến vườn cây năng suất cao của ngành cao su ở khu vực Tây Nguyên thì không thể kể đến các đơn vị trên địa bàn Kon Tum. Trong đó, Cao su Kon Tum hơn 10 năm qua đạt năng suất trên 1,8 tấn/ha (thành viên Câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG); Công ty 78 của Binh đoàn 15 cũng có năng suất dao động từ 2 – 2,3 tấn/ha. Theo dự báo, vài năm tới ở tỉnh Kon Tum sẽ có thêm Cao su Chư Mom Ray và Sa Thầy cũng sẽ gia nhập vào CLB có năng suất cao của VRG.
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể những vườn cây có năng suất cao (đạt 1,8 tấn/ha trở lên) nằm rải rác ở khắp các công ty như: Cao su Mang Yang có một số lô của Nông trường K’dang có năng suất rất cao, có thể đạt 3 tấn/ha; Nông trường Ia Ko (Cao su Chư Sê) hoặc tại vùng cao su Nông trường Hà Tây (Cao su Chư Păh), Nông trường Ea Wy (Cao su Ea H’leo) có năng suất khá cao so với mặt bằng chung. Những diện tích cao su nằm ở cao trình thấp đều có năng suất cao.
Tôi kỳ vọng vào chu kỳ thứ 2 các vườn cây của khu vực Tây Nguyên có thể đạt năng suất cao. Ở chu kỳ mới này, các công ty đã có đủ kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như trình độ trong công tác thâm canh vườn cây chăm sóc, KTCB và yếu tố quan trọng là dinh dưỡng cho cây trồng cũng được cải thiện do việc canh tác từ chu kỳ 1 để lại. Đặc biệt, cơ cấu giống tái canh phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của vùng sẽ giúp vườn cây có năng suất cao.
Ông Ngô Văn Mân – Phó TGĐ Cao su Kon Tum: Chú trọng đào tạo tay nghề để giữ năng suất cao Đặc thù vườn cây của Cao su Kon Tum là có nhiều mô hình quản lý, khó khăn nhất vẫn là các mô hình nhận khoán và liên kết. Hầu hết các vườn cây năng suất cao ở Nông trường Dục Nông và Ya Chim đều rơi vào các mô hình này. Các mô hình này đã có thỏa thuận về việc chia tỷ lệ % với công ty sau khi thu hoạch mủ nên việc hỗ trợ thêm để khuyến khích giữ vườn cây năng suất cao trong thời gian dài cũng khó. Vì thế, công ty giao quyền tự chủ cho đơn vị trong việc quản lý vườn cây, kỹ thuật của các đơn vị. Quyền lợi của tổ trưởng sẽ gắn liền với kết quả sản xuất, công ty khen thưởng cho các tổ, nông trường vượt sản lượng hàng tháng nên nhiệm vụ của các tổ trưởng trước ngày cạo mới là phải đôn đốc, kiểm tra và giám sát các hộ có đi cạo đầy đủ hay không, nếu vắng phải có phương án thay thế.
Công ty hỗ trợ cho các mô hình nhận khoán và liên kết phun phòng phấn trắng. Hầu hết các vườn cây chủ lực có năng suất từ 1,5 tấn/ha trở lên dù là ở mô hình nào công ty cũng tổ chức phun phòng. Việc đào tạo tay nghề cũng được công ty chú trọng và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo tay nghề cho từng lao động, kể cả lao động phụ. Đây là những điều kiện quan trọng để vườn cây có thể giữ được năng suất cao trong thời gian dài.
VĂN VĨNH (thực hiện)
Related posts:
- Trao quà nhỏ gửi niềm tin lớn
- VRG góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Phước
- Kỳ đại hội khó quên
- Vinh danh 261 Công nhân Cao su Việt Nam ưu tú
- Bàn tay vàng cao su Phước Hòa nhiều năm liền dẫn đầu về sản lượng
- Hiệu quả từ phong trào "Mỗi tháng 1 đoàn viên xuất sắc"
- Khởi động chọn “chiến binh”
- SVR 10, 20 sẽ là chủng loại mủ chủ lực ở Campuchia
- Rà soát Tiêu chuẩn TCVN 3769:2004 - Cao su thiên nhiên SVR
- Ổn định đời sống, gắn bó lâu dài với vườn cây