VRG: Vị thế mới, tầm vóc mới (kỳ 3)

Kỳ 3: NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG VƯỜN CÂY, HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Kỳ 2: TẬN DỤNG THẾ MẠNH CHỦ LỰC

CSVN – Từ diện tích vườn cây tiếp quản từ các đồn điền cao su của thực dân Pháp, Tổng cục CSVN (nay là VRG) đã từng bước dựng xây và mở rộng quy mô phát triển. Tính đến nay, VRG có hơn 402.650 ha cao su trong và ngoài nước, có những đóng góp rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Cũng từ ngành nghề cốt lõi là trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su đã tạo ra những giá trị to lớn giúp VRG có cơ sở, nền tảng để mở rộng, phát triển thêm các lĩnh vực ngành nghề khác như hiện nay.

Công nhân trực tiếp trên vườn cây qua các thế hệ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của VRG. Ảnh tư liệu: Vũ Phong

Vậy là từ sắc xanh của những cánh rừng cao su trải dài tít tắp, VRG có thêm nhiều sắc màu khác từ công nghiệp chế biến gỗ, công nghiệp cao su, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trên đất cao su. 5 lĩnh vực này liên kết, hỗ trợ cùng nhau phát triển và tạo khối gắn kết vững chắc giúp VRG có sức mạnh trên con đường thực hiện chiến lược phát triển bền vững.

Năm 2020, VRG có tổng diện tích hơn 402.650 ha cao su trải dài trong và ngoài nước. Trong đó vườn cây khai thác hơn 219.598 ha, chiếm hơn 54% tổng diện tích. Ngành nghề trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su ngày càng phát triển hơn với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Các giống được nghiên cứu và áp dụng phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu, cho năng suất cao, chất lượng tốt. Tính tới thời điểm hiện nay, toàn VRG có 12 công ty, 80 nông trường ghi danh vào Câu lạc bộ 2 tấn/ha, nhiều nông trường, tổ có năng suất trên 3 tấn/ha.

Khúc hát hoan ca

5h sáng hàng ngày, chị Lê Thị Thương – Công nhân khai thác Nông trường 9, Cao su Phú Riềng đến nhà tổ điểm danh và bắt đầu công việc của một công nhân khai thác khi vừa thấy rõ mặt cạo. Chị gắn bó với công việc này từ lúc còn là thiếu nữ cho đến khi lập gia đình, có 2 con chị vẫn còn “dính” nghề và không hề có ý định “dứt ra”, bởi “cái nghề” đã cho chị rất nhiều.

15 năm làm nghề là 15 năm chị phấn đấu không ngơi nghỉ, mỗi năm thành tích của “tay dao” có tiếng của Cao su Phú Riềng như dày lên khi chị 4 lần liên tiếp có mặt tại Hội thi Bàn tay vàng cấp ngành, 1 lần đạt giải ba và 2 lần đạt giải nhì. Đồng thời, chị cũng là hạt nhân quan trọng giúp công ty 3 lần liên tiếp giữ vững “ngôi vương” của hội thi này.

Chị chia sẻ: “Tôi rất yêu công việc mình đang làm, ở trong môi trường này, công nhân cao su có điều kiện để phát triển nghề, gặt hái nhiều thành công. Thu nhập ở công ty cao so với mặt bằng chung của địa phương và trong ngành. Do đó, công nhân ở công ty ai cũng nhờ tích lũy từ lương để phát triển kinh tế gia đình. Và dù cho nhiều anh chị em đã khá lên nhưng vẫn quyết tâm gắn bó với nghề. Vì đây là gốc rễ để chúng tôi có được như ngày hôm nay”.

Những chia sẻ của chị Thương là suy nghĩ chung của bao anh chị em công nhân cao su trên vườn cây trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su, một lĩnh vực đang quản lý diện tích đất lớn và lực lượng lao động trực tiếp áp đảo các ngành nghề khác của VRG. Nghề công nhân cạo mủ cao su là một nghề rất đặc thù, ở đó có những vất vả, gian nan trong ngày mưa, có những tất bật rộn ràng, những phút giây chạy đua với thời gian về đích ngày cuối năm. Và cũng có những niềm vui, hãnh diện, tự hào khi được vinh danh khen thưởng, có cả những nỗi lo toan cho cuộc sống vào những thời điểm giá mủ xuống thấp.

Công nhân trực tiếp trên vườn cây qua các thế hệ đã đóng góp rất quan trọng trong việc ổn định khôi phục vườn cây, nhà máy sau chiến tranh. Bằng công sức, tâm huyết và trí tuệ, sức mạnh tập thể của khối đại đoàn kết đó lại tiếp tục đưa VRG vững vàng qua các giai đoạn thăng trầm. Dù hoạt động trong mô hình nào thì NLĐ vẫn là hạt nhân nòng cốt trong việc giúp VRG hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu nông nghiệp được các cấp giao. Lực lượng này cũng đã góp công dựng xây thương hiệu các công ty từ Đông Nam bộ, Tây Nguyên – Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc, Lào, Campuchia ngày càng lớn mạnh. Thực tế có thể thấy trong những năm gần đây, dù khó khăn nhưng sản lượng khai thác của VRG năm nào cũng vượt kế hoạch.


Những đóng góp của ngành cao su Việt Nam mà trụ cột chính là VRG đã giúp Việt Nam dẫn đầu châu Á về năng suất mủ cao su với trung bình từ 1,67 đến 1,72 tấn/ha/năm. Sản lượng cao su Việt Nam đã và đang tăng nhanh theo đà tăng diện tích. Hiện, Việt Nam trở thành một nước đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu cao su thiên nhiên.

Cây cao su phủ xanh vùng đồi núi phía Bắc, góp phần ổn định đời sống bà con đồng bào dân tộc. Ảnh: Ng.Cường.
Từ những gian khó

Để có bức tranh toàn cảnh ấn tượng như vậy phải trải qua một thời gian dài đánh đổi biết bao sinh mạng, mồ hôi và công sức của các thế hệ. Quay ngược về 46 năm trước, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, các công ty cao su nhanh chóng tiếp quản diện tích đồn điền cao su do thực dân để lại và bắt tay vào công cuộc khôi phục vườn cây, nhà máy, ổn định sản xuất, tạo việc làm cho đông đảo NLĐ. Được lao động sản xuất trong thời kỳ hòa bình, làm chủ đất nước, NLĐ càng phấn khởi, hăng say thi đua.

Vườn cây cao su được tiếp quản hầu hết đã kiệt quệ do các phương pháp “thúc” của thực dân để khai thác tối đa sản lượng, lực lượng lao động chủ yếu là người già, lao động mất sức, hệ thống nhà máy – vườn cây ít nhiều bị bom đạn tàn phá.

Trước tình hình thực tế, Tổng cục CSVN và lãnh đạo các đơn vị một mặt tuyên truyền, vận động NLĐ ra sức thi đua khôi phục sản xuất, một mặt mở rộng diện tích trồng mới cao su, đồng thời thu tuyển lao động đi xây dựng khu kinh tế mới.

Giai đoạn đó có hi sinh thầm lặng, những giọt mồ hôi và máu, nước mắt rơi giữa những ngày hè rát bỏng khi mở rộng diện tích gặp phải bom mìn còn sót lại. Ấy thế nhưng trước quyết tâm, kiên trì và bền bỉ xây dựng XHCN, tất cả những khó khăn đều “ngả mũ” chào thua trước sức bền chí dũng của con người.

Tây Nguyên những ngày đó là thiếu thốn trăm bề, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, cái đói cái nghèo mãi còn đeo bám, địa phương vẫn băn khoăn chưa tìm được cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế. Chương trình phát triển cao su lên Tây Nguyên của Tổng cục CSVN như một luồng ánh sáng mới đến buôn làng, về bản.

Các đơn vị trực thuộc đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn bà con nhân dân địa phương và các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào lập nghiệp. Cây cao su cho dòng nhựa trắng đã trở nên thân thiết với người dân, là người bạn đồng hành trong cuộc sống, giúp họ ổn định từ đủ ăn đến dư dả, sắm sửa, đời sống phất lên nhanh chóng. NLĐ nhờ có thu nhập từ lương, biết co kéo, tích cóp thì có thêm cơ ngơi vườn tược phát triển kinh tế gia đình, chắp cánh ước mơ cho nguồn nhân lực tương lai của ngành, của đất nước. Cây cao su cũng đã góp phần làm đa dạng cơ cấu cây trồng tại các địa phương ở khu vực Tây Nguyên.

Qua từng năm, diện tích cao su của Tổng cục CSVN ngày càng được mở rộng. Từ những đơn vị anh cả miền Đông như TCT Cao su Đồng Nai, Phú Riềng, Dầu Tiếng, Bình Long, Lộc Ninh, Đồng Phú, Phước Hòa, Tân Biên… Tổng cục có thêm nhiều “người con” trên vùng đất Tây Nguyên nhờ chính sách “gà mẹ đẻ gà con” năm 1984. Rồi EaH’Leo, Krông Buk, Kon Tum, rồi Mang Yang, Chư Sê, Chư Prông, Chư Păh… cứ nối tiếp được thành lập với những sứ mệnh cao cả. Đóng góp công sức của một ngành nông nghiệp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không chỉ dừng lại trong nước, là Tập đoàn kinh tế lớn của cả nước, VRG có trách nhiệm trong việc giữ vững an ninh chính trị, an ninh quốc phòng, thắt chặt đoàn kết hữu nghị giữa các nước láng giềng, mở rộng quan hệ đối ngoại với bạn bè quốc tế. Năm 2004, sau những lần khảo sát thực tế trên nước bạn, dự án đầu tư của VRG tại Lào chính thức được đánh dấu mốc son trong lịch sử phát triển của ngành CSVN đó là Công ty CPCS Việt Lào được thành lập.

Và đây cũng là mô hình kiểu mẫu đầu tư nước ngoài của VRG với thành tích xuất sắc rút ngắn thời gian trồng mới, tiết kiệm hàng tỷ đồng trong việc thực hiện các sáng kiến, cải tiến ứng dụng trong lao động sản xuất, hoạt động SXKD có hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông. Với những đóng góp đặc biệt cho Tổ quốc, tô thắm tình đoàn kết giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam – Lào, năm 2020 Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Công ty CPCS Việt Lào.

Năm 2007, Công ty CPCS Sơn La, đơn vị trực thuộc đầu tiên của VRG tại miền núi phía Bắc ra đời với ý nghĩa to lớn, đó là chung tay cùng với Chính phủ, địa phương chăm lo đời sống của bà con đồng bào vùng cao. Khi đưa cây cao su lên miền núi phía Bắc, VRG không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà đó là tri ân sự đóng góp của bà con vùng cao trong những năm tháng cách mạng. Cùng góp sức chăm lo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho bà con.

Từ dự án đầu tiên tại Sơn La, tiếp theo những năm sau đó, các đơn vị khác như Lai Châu, Lai Châu 2, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang… được thành lập. Tháng 10/2016, lãnh đạo Nhà nước, VRG và bà con nhân dân các tỉnh hân hoan đón chào dòng nhựa trắng đầu tiên chảy trên vùng miền núi phía Bắc.

Cuộc sống trước đây của gia đình anh Quan Văn Hùng – Công ty CPCS Lai Châu là trồng hoa màu, nuôi bầy gà… chỉ đủ mưu sinh qua ngày. Tin tưởng về một loại cây mới đến Tây Bắc, anh xin vào làm công nhân cao su tại Nông trường Lùng Thàng, anh nói: “Cây cao su đến với vùng cao, bà con rất háo hức và hi vọng sẽ có cuộc sống tốt hơn. Và khi nông trường đưa vườn cây vào khai thác, đó là niềm vui và mong đợi của không chỉ riêng tôi mà của tất cả bà con góp đất trồng cao su. Vườn cây mở cạo rồi, cho mủ rồi, năng suất cùng ngày càng tăng lên, bà con ngoài lương còn được chia sản phẩm nhờ có góp đất trồng cao su. Cao su lên vùng cao, đời sống bà con từng bước đủ đầy hơn trước”.

Cao su Việt Lào là mô hình kiểu mẫu trong đầu tư ra nước ngoài của VRG. Trong ảnh: Công nhân người Lào đang trút mủ trên vườn cây. Ảnh tư liệu: Vũ Phong.
“Thắp sáng” những nơi cao su đến

Hôm nay được đi dưới những cánh rừng cao su xanh ngát, có cơ hội rong ruổi trên khắp nẻo đường từ những đơn vị anh cả miền Đông đến Tây Nguyên, khúc ruột miền Trung, ra tới miền núi phía Bắc, rồi ghé Kampong Thom, Ratanakiri, về Kratie (Vương quốc Campuchia), qua nước bạn Lào mới thấy được rằng “Cao su đi đến đâu thì kéo theo sự phát triển hạ tầng đến đó” – câu khẳng định quá quen thuộc với NLĐ trong ngành và cả gia thuộc mà còn được khẳng định bởi chính quyền địa phương, nơi có những dự án cao su của VRG đứng chân.

Những con đường nhựa, đường bê tông liên lô, liên xã được thay thế cho đường đất đầy sình lầy khi mưa đến. Những nơi NLĐ chưa có chỗ ở ổn định đều được các công ty xây nhà tập thể để NLĐ yên tâm công tác. Sắp tới, khi Làng công nhân cao su đầu tiên ở huyện IaH’Drai, tỉnh Kon Tum được đưa vào sử dụng, VRG và Công đoàn CSVN sẽ tiếp tục có kế hoạch xây dựng Làng công nhân cao su ở những nơi NLĐ còn nhiều khó khăn về nơi ở. Không chỉ là NLĐ trong ngành được hưởng những “ưu đãi” của VRG mang lại mà gia thuộc và chính quyền địa phương đều nhận được sự quan tâm, cộng đồng trách nhiệm rất lớn của VRG. Chỉ trong giai đoạn 2015 – 2020, VRG đã đóng góp vào các hoạt động, chương trình an sinh xã hội cả nước hơn 300 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị thành viên còn ủng hộ các chương trình của địa phương với nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm rất lớn.

Nơi nào có những hoạt động an sinh xã hội, vì cộng đồng đều có sự chung tay góp sức của VRG. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, dù VRG không nằm ngoài sự tác động của đại dịch Covid – 19 nhưng bằng trách nhiệm của Tập đoàn lớn, VRG đã ủng hộ 200 tỷ đồng trong sự kiện ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống Covid – 19. Bên cạnh đó, VRG còn ủng hộ cho một số địa phương trong công tác phòng chống dịch, thăm và tặng qua cho các đồn biên phòng. Ngoài ra, các đơn vị thành viên cũng ủng hộ cho các địa phương từ nguồn quỹ của từng công ty.

Cũng trong khoảng thời gian này, VRG ủng hộ 5 tỷ đồng, đồng hành cùng chương trình Cờ biên cương Tổ quốc của Báo Người lao động, tài trợ 1,5 tỷ đồng cho Hội Nhà báo TP.HCM thực hiện các chương trình an sinh xã hội và tài trợ 2 tỷ đồng cho Báo Thanh niên trong chuyên mục Gương sáng biên cương.

VRG xây dựng mục tiêu chiến lược phát triển bền vững trên 3 trụ cột: Kinh tế – Xã hội – Môi trường, trong thời gian tới, VRG tiếp tục thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững, đồng hành cùng Chính phủ, cùng địa phương trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, chăm lo tốt đời sống của NLĐ trên địa bàn, thực hiện tốt các hoạt động, chương trình an sinh xã hội, an ninh quốc phòng…

Phát triển bền vững trên 3 trụ cột: Kinh tế – Xã hội – Môi trường

Điểm qua một vài con số, hình ảnh biết nói của VRG trong suốt chặng đường đã qua để mỗi NLĐ có quyền tự hào về những gì VRG đã làm được. Tự hào nhưng không chủ quan mà phải xem đó là động lực phấn đấu, tiếp tục đưa VRG ngày càng phát triển hơn nữa.

Đứng trước những cơ hội, thách thức của thời đại đòi hỏi VRG cần có bước đột phá và chuyển mình phù hợp. Xác định tình hình khách quan và sức mạnh nội tại, VRG đã xây dựng định hướng chiến lược phát triển lâu dài, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 của VRG là bảo đảm quyền lợi cao nhất cho Nhà nước và cổ đông trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn lực bao gồm đất đai, lao động, khả năng luân chuyển nguồn vốn và thế mạnh của từng doanh nghiệp trong hệ thống với tốc độ tăng trưởng 5-8%/năm; Bảo đảm khả năng cung ứng nguyên liệu cao su ngành công nghiệp cao su trong nước phát triển và xuất khẩu; Gỗ cao su nguyên liệu và gỗ MDF cho ngành chế biến gỗ.

Thời gian trước mắt, trong lĩnh vực nông nghiệp, VRG không đầu tư trồng mới, chỉ tái canh những diện tích vườn cây đến tuổi thanh lý. Đến năm 2025, tổng diện tích cao su khoảng 300.000 đến 320.000 ha. Tập trung đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trên vườn cây, góp phần làm tăng năng suất để ngày càng có nhiều công ty, nông trường ghi danh vào Câu lạc bộ 2 tấn/ha của VRG.

Bên cạnh đó, phát triển khoảng 40.000 ha các loại cây trồng có đủ điều kiện ứng dụng các giải pháp công nghệ cao, có hiệu quả cao hơn trên quỹ đất trồng cao su có điều kiện thích hợp. Phát triển và khoanh nuôi, bảo vệ tối thiểu 20.000 ha rừng cây gỗ lớn trong các vùng cao su. Tích cực thực hiện Chứng chỉ rừng bền vững cho diện tích vườn cây cao su các đơn vị.

Song song với lĩnh vực nông nghiệp, VRG đã định vị vị trí các lĩnh vực sản xuất chính của VRG trong giai đoạn 2021 – 2025, cụ thể: Đầu tư, cải tạo nâng cao công suất chế biến gỗ, tăng gấp ba lần công suất tinh chế. Hình thành KCN chuyên về chế biến gỗ tại Bình Dương để phát triển ngành chế biến gỗ; Duy trì và phát triển các sản phẩm công nghiệp đã có nhằm giảm về số lượng lẫn tỷ lệ lượng mủ cao su xuất khẩu thô; Khai thác có hiệu quả các KCN đã được giao làm chủ đầu tư, đầu tư mở rộng các khu hiện có, đầu tư mới các KCN theo quy hoạch của địa phương. Đến năm 2025 trung bình mỗi năm cho thuê khoảng 600 – 1.000 ha, tổng diện tích cho thuê cả chu kỳ khoảng 3.000 – 5.000 ha, tương đương quy mô đã phát triển trong hơn 10 năm qua.

Từ những giọt mủ chắt chiu trên vườn cây, từ những lô hàng xuất khẩu đạt chuẩn mang thương hiệu VRG, từ những KCN thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, từ những nỗ lực từng bước khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, công nghiệp cao su đã thay cho lời khẳng định của VRG với Đảng, với Nhà nước về vai trò, trách nhiệm của Tập đoàn kinh tế lớn đối với đất nước.

Và để thực hiện được chiến lược phát triển đã xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2025, chắc chắn rằng VRG sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng với bề dày truyền thống 92 năm của ngành cao su, VRG sẽ vững vàng tiến bước, nắm bắt những cơ hội, đẩy lùi trở ngại để tiếp tục xây dựng VRG ở một tầm vóc lớn hơn, xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khi đến thăm VRG:

“Bứt phá phát triển vững vàng

Tập đoàn mạnh, công nhân giàu tiến lên”.

NGUYỄN CƯỜNG – HUỆ LINH