Liên kết để phát triển bền vững

CSVN – Bình Phước là thủ phủ của cây cao su và nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn trái có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại trên một đơn vị diện tích vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, thời tiết vốn được thiên nhiên rất ưu đãi. Trước những khó khăn này, một nhóm hộ dân trồng cao su tiểu điền trong và ngoài tỉnh đã tự nguyện liên kết lại thành lập Câu lạc bộ (CLB) cao su Bình Phước.
Câu lạc bộ cao su Bình Phước họp luân phiên mỗi quý một lần tại nhà các thành viên.
Câu lạc bộ cao su Bình Phước họp luân phiên mỗi quý một lần tại nhà các thành viên.

Qua hơn 5 năm hoạt động, CLB đã kết nối được các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân cùng tương trợ, liên kết với mục tiêu tạo ra chuỗi giá trị liên kết, góp phần phát triển cây cao su và nhiều loại cây trồng khác theo hướng hiệu quả, bền vững.

Từ năm 2013 đến nay, đều đặn từ 1 – 3 tháng, 30 thành viên trong CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần, luân phiên giữa các hộ thành viên. Trong đó, hộ ông Nguyễn Hữu Năm, ngụ thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng (Phú Riềng) là một trong những nhân tố tích cực, điển hình của CLB. Ông Năm là nông dân sản xuất giỏi toàn quốc, công dân kiểu mẫu được tỉnh tuyên dương nhân kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Bình Phước. Sở hữu trên 30 ha đất, chủ yếu trồng cao su, điều và cây ăn trái, nhiều năm qua, ông Năm luôn tâm huyết, đam mê, có nhiều kinh nghiệm đóng góp cho sự phát triển của ngành nông nghiệp tại địa phương cũng như CLB cao su Bình Phước.

Trên cương vị phó chủ nhiệm CLB, những năm qua, ông Năm đã có nhiều sáng kiến, đóng góp thiết thực vào nâng cao năng suất, chất lượng mủ, giảm chi phí đầu tư vườn cây cho các thành viên trong CLB. Vườn cao su 24 ha của gia đình ông phát triển xanh tốt, sản lượng, chất lượng mủ luôn đạt mức cao, nhưng chi phí đầu tư ở mức thấp nhất là do ông Năm đã mạnh dạn sáng chế ra máy xịt thuốc phòng trừ bệnh phấn trắng. Ông Năm chia sẻ: “Tôi khởi xướng xem xét xử lý bệnh phấn trắng. Trước làm thủ công, sau tôi nghiên cứu ra máy xịt cải tiến từ máy quạt lúa ở miền Tây. Máy nhập có giá 85 triệu đồng, nhưng tôi tự làm chỉ 60 triệu đồng, độ cao khi xịt thuốc đạt từ 25 – 30m, rất hiệu quả”.

Với 30 thành viên đến từ các huyện: Phú Riềng, Đồng Phú, Chơn Thành, thành phố Đồng Xoài, đặc biệt còn có sự tham gia của nông dân huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Mỗi thành viên một hoàn cảnh, có hộ chỉ 5 – 7 ha, hộ đến hàng chục hécta nhưng qua quá trình tham gia, CLB đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, nâng cao kỹ năng, trình độ, kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ vào canh tác hiệu quả nhất cho người trồng. Ông Đặng Văn Hiếu, ngụ ấp 1, xã Nha Bích (Chơn Thành) cho biết: “Tham gia CLB, tôi học hỏi được nhiều thứ, có nhiều thầy tham gia phân tích bệnh trên cây. Nhờ giúp đỡ, tôi am tường từ quy trình trồng, chăm sóc, xử lý bệnh của cây cao su. Các thầy hướng dẫn chất đất, phân được bón hợp lý, tiết kiệm nhưng lại hiệu quả”.

QUỐC PHONG

(Báo Bình Phước)