Gặp “nhà thơ” cao su Hòa Bình

CSVNO – “Phải có trái tim nhạy cảm, tâm hồn đầy cảm xúc và cả vốn từ, khả năng sử dụng ngôn ngữ thì mới có thể nhìn một ánh nắng chiều, một chùm nho xanh mướt ….bật thành lời có vần có điệu, có hình ảnh. Có thể nói anh Lê Thanh Anh – công nhân khai thác đội 1 là “nhà thơ” của Cao su Hòa Bình” – Đó là lời khen tặng của anh Vũ Quang Khải – Phó TGĐ Công ty CPCS Hòa Bình khi nhắc đến người công nhân có khả năng “xuất khẩu thành thơ”.

“Nhà thơ” Lê Thanh Anh cho chúng tôi xem những bài thơ “nhờ phây búc” giữ hộ. Ảnh: Quỳnh Mai

Cao su Hòa Bình chào ngày mới trong tiếng nói cười râm ran đầy hứng khởi của người lao động khi bước vào vụ mùa 2021 với thời tiết “mưa thuận, gió hòa”. Trong lúc loay hoay chụp vài kiểu ảnh ghi lại không khí làm việc khẩn trương của người thợ khai thác trong ngày đầu ra quân, thì một anh cán bộ kỹ thuật công ty nói nhỏ: Đội này có “nhà thơ cao su”, chút xong việc, chị tranh thủ gặp biết đâu có nhiều điều thú vị…

Bắt đúng “địa hạt”, chúng tôi liền tiếp cận “nhà thơ” ngay trên vườn cây. Khi thấy chúng tôi cũng thích thơ, anh đưa xem những bài thơ mới làm “nhờ phây búc” giữ hộ. Các bài thơ của anh hầu hết được cảm tác từ hình ảnh thân thương của người lao động trên vườn cây vào buổi sáng và xế trưa. Hình ảnh thơ trong trẻo, ngôn từ mộc mạc nhưng ẩn chứa nhiều tâm sự muốn giãi bày, sẻ chia…

Thanh Anh trải lòng về “mối tơ duyên” với “nàng thơ”: “Mình quê Quảng Trị, vào Hòa Bình làm công nhân cao su năm 1998, nhưng tập tành làm thơ cách đây mới 2 năm thôi. Cuộc sống lao động và hình ảnh người công nhân là “chất xúc tác” để cảm xúc bật thành lời. Lúc đầu cũng chỉ “xướng lên” vài câu cho vui để xua tan những vất vả, cực nhọc trong công việc và cả sự “đau đáu” khát giá của cây và người. Nhưng sau khi “đăng phây” được bạn bè khen tặng và khích lệ cũng thấy vui vui. Vậy là những bài thơ cứ thành hình lần lượt ra đời…”

Chúng tôi hỏi, sao anh không gởi về Trang sáng tác của Tạp chí Cao su VN? Anh cười: “Anh em cũng động viên gởi tham gia, nhưng mình ngại và không tự tin khả năng của bản thân”. Như được trải lòng, anh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Bún mắm”: “Nắng ngập vườn trưa rộn tiếng cười/Rám hồng da thịt tuổi đôi mươi/Ngàn đêm gió hú trăng nghiêng đợi/Vạn tối sương rơi nguyệt đứng chờ/Tý tách anh khơi dòng nhựa trắng/Long lanh em hứng giọt tình rơi/Đời vui ánh mắt nhìn nhau thỏa/Bún mắm xôn xao tiếng gọi mời”.

Anh cho chúng tôi số điện thoại và hẹn “kết bạn” Zalo. Những bài thơ tứ tuyệt, thất ngôn bát cú của tình yêu nghề, tinh thần lao động hăng say, nụ cười phấn chấn lạc quan của người lao động và cả hình ảnh minh họa cứ đầy lên trong các tin nhắn.

Chao ôi, có gì vui và hạnh phúc hơn thế… Càng gần đến ngày kỷ niệm 96 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, bao kỷ niệm về những người lao động trên lô từng gặp, những bài thơ, bài viết cộng tác viên gởi về chúng tôi từng đọc dâng trào bao cảm xúc trân quý, thân thương. Hình ảnh cô thợ cạo trong bài thơ mà anh mới gửi “Đêm nay em không ngủ /Thao thức cùng vườn cây/ Sương rơi ướt vai gầy/ Tí tách từng giọt nhỏ/Trăng khuya thức đứng đợi/ Sao chờ ở cuối lô/Bầy chim non thức dậy/Trắng ngần mủ trong tô”, khiến chúng tôi bâng khuâng.

Và, chỉ mong dịch Covid – 19 mau chóng lùi xa, để chúng tôi – những nhà báo ngành được về cơ sở, được thấy người công nhân cười, nghe họ khát khao “giá mủ tăng cao để năm nào cũng có thưởng”, được nắm chặt bàn tay chai sần vững vàng “trinh nguyên dòng trắng được khơi nguồn”…

NGUYỄN LÝ