CSVN – Cao su Bình Long đã tổ chức tuyên dương 74 nữ công nhân trực tiếp tiêu biểu có thời gian công tác tại công ty từ 20 năm trở lên, vào ngày 17/10 vừa qua. Công ty hiện có gần 3.500 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 48,6%. Do đặc thù lao động khai thác và chế biến mủ được xếp vào nhóm nặng nhọc, độc hại nên số lượng công nhân trực tiếp nói chung, trong đó nữ công nhân trực tiếp có thời gian công tác từ 20 năm trở lên chỉ chiếm khoảng trên 5% tổng số lao động nữ. Song với bề dày kinh nghiệm, các chị luôn gương mẫu, đi đầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít công nhân cạo mủ khi “cán mốc” 20 năm làm việc là làm đơn xin giám định sức khỏe để hưởng “hưu non”. Thông thường lương hưu những người này khá thấp (khoảng 1,8 – 2,3 triệu đồng/người/ tháng tùy theo độ tuổi và số năm tham gia bảo hiểm xã hội). Sau khi nghỉ việc hưởng “hưu non”, họ tìm các công ty, xí nghiệp ở các khu công nghiệp làm việc thời vụ để kiếm thêm thu nhập. Song, đại dịch Covid-19 quét qua như một cơn lốc để lại hậu quả nặng nề. Đó là tình trạng suy thoái, đóng băng của nền kinh tế. Các công ty, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động do không có đơn hàng. Thị trường bất động sản cũng trở nên “bất động” do tình hình khó khăn chung. Nhiều lao động là công nhân khai thác mủ cảm thấy sai lầm khi quyết định nghỉ việc. Chị L trước đây là công nhân khai thác mủ. Với hơn 15 năm công tác, chị xin nghỉ việc để trở thành… lao động tự do! Chị nhận “một cục” bảo hiểm xã hội xem như lấy vốn làm ăn. Sau một thời gian với đủ công việc, từ “cò đất” (môi giới bất động sản), bán hàng online, đến làm công nhân xí nghiệp… nay chị lại trở về với công việc cạo mủ cho vườn cây tiểu điền ở cách nhà hơn 7 km. Chị tâm sự, giai đoạn bản thân xin nghỉ làm công nhân vì thấy nghề “cò đất” dễ kiếm tiền quá. Có ngày “vô kèo” được chia 5 – 7 triệu là chuyện bình thường. Chị quyết định “làm ăn lớn” nên xin nghỉ việc, rút bảo hiểm và vay mượn thêm để đầu tư “lướt sóng”. Không ngờ thị trường “đóng băng” nên không “lướt” được đành chấp nhận mất tiền cọc. Rồi chị nhẩm tính, “Nếu gắn bó với công ty thì nay tôi cũng đủ năm đóng bảo hiểm để về hưu non rồi”.
Chị Lê Thị Hiếu Hạnh – Công nhân khai thác Tổ 6, NT Bình Minh có 23 năm công tác, là đảng viên. Không như những công nhân khác khi đủ điều kiện là xin đi giám định để hưởng “hưu non”, chị vẫn gắn bó với công việc. Chị tâm sự, nếu nghỉ “hưu non” thì rất thiệt thòi vì bị trừ phần trăm (%) do chưa đủ năm đóng bảo hiểm và chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành. Nghỉ “hưu non” rồi cũng phải đi làm thì… nghỉ làm gì cho phí! Trong khi đó, làm công nhân cao su tuy có vất vả song các chế độ luôn đảm bảo, mức thu nhập trên 11 triệu/tháng, làm việc gần nhà để có điều kiện lo cho gia đình. Con trai đầu của chị năm nay đang học đại học năm thứ tư. Tất cả chi phí đều nhờ vào thu nhập từ công việc khai thác mủ của chị.
Bà Nguyễn Thị Phụng – Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban nữ công Công đoàn công ty cho biết, trong số 74 nữ công nhân trực tiếp có thời gian công tác trên 20 năm nhiều chị là những hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở. Các chị Phạm Thúy Hòa (NT Đồng Nơ), Chúc Thị Anh Tú (NT Quản Lợi), Phan Thị Phượng (NT Xa Cam) là những điển hình trong phong trào “Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi”. Các chị Trần Thị Hạnh (NT Minh Hưng), Đào Thị Hồng Nhung (NT Trà Thanh), Lê Thị Hiếu Hạnh (NT Bình Minh) là những điển hinh trong học và làm theo Bác. Đặc biệt, có chị Thị Hòa (NT Xa Trạch) là nữ công nhân khai thác mủ người đồng bào dân tộc thiểu số duy nhất, bản thân chị là điển hình xuất sắc, toàn diện.
NGUYỄN BẢO
Related posts:
- “Động lực nâng cao tay nghề, lan tỏa tình yêu lao động”
- Cần cẩn trọng khi "nhảy việc"
- Hiệu quả mô hình trồng xen đa loại cây ở cao su Krông Buk
- Cao su Bà Rịa đạt giải 3 Hội thi Báo cáo viên giỏi cấp tỉnh
- Dấu ấn màu áo lính nơi biên cương
- Khấm khá nhờ phát triển kinh tế gia đình
- "Các đơn vị cao su miền Trung tập trung vượt khó"
- Chủ động phòng chống cháy mùa khô
- Vào mùa "tăng tốc"
- Cao su Chư Păh ký kết quy ước phối hợp với địa phương