CSVN – Về Thuận Phú (tỉnh Bình Phước) những ngày tháng 10 lịch sử, trong tâm trạng nôn nao, háo hức đón mừng 95 năm ngày truyền thống ngành cao su, chúng tôi không khỏi bùi ngùi hoài niệm về cuộc đời người thợ “Kiếp người cơm vãi cơm rơi/ Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi” của thân phận nô lệ mà phu công tra từng nếm trải. Cuộc sống cơ cực, đói rét “làm thân trâu ngựa” của cha ông trong quá khứ “Bán thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng” là tiếng vọng về nhắc nhớ một giai đoạn lịch sử “tủi nhục mà vinh quang”.
Trong đêm trường nô lệ, quy luật tất yếu “ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh”. Vào đêm 28, rạng sáng 29/10/1929, tại khu rừng Suối Đá thuộc Làng 3 (xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú), Chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập với 6 đảng viên; đồng chí Nguyễn Xuân Cừ được cử làm Bí thư. Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của miền Đông Nam bộ và tiếng vang Phú Riềng Đỏ là kết quả của việc chuyển biến về chất phong trào yêu nước và phong trào công nhân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, vào ngày 3/2/1930, hơn 5.000 phu cao su đã nổi dậy làm chủ đồn điền cao su Phú Riềng trong hơn một tuần lễ. Từ đây, chiếc nôi cách mạng Phú Riềng Đỏ nói riêng và vùng Đông Nam bộ “gian lao mà anh dũng” nói chung bước vào giai đoạn cách mạng mới do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Dưới ngọn lửa thiêng soi đường, phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đất nước khải hoàn, cả dân tộc bước vào thời kỳ đổi mới, mang theo khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Đi giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh tốt, dưới trời cao lồng lộng, trong âm thanh rộn rã của nhịp sống lao động khẩn trương của người thợ làm chủ vận mệnh ta thấy cả tương lai về một Phú Riềng Đỏ phồn thịnh, mạnh giàu phát triển theo xu thế của thời đại. Trong tiếng “vọng về” từ quá khứ nhắc nhở con cháu ý thức và trách nhiệm công dân, kiến thiết dựng xây tương lai về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Di tích lịch sử, trang sử vàng truyền thống là địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ “lớp cha trước, lớp con sau” về lòng tự hào về ngành nghề, trân quý truyền thống cha ông đã dày công gầy dựng, kiến tạo ngành cao su nói riêng và cả dân tộc nói chung phát triển phồn vinh, giàu mạnh.
Theo dòng thời gian, đã 127 năm trôi qua, kể từ khi cây cao su di nhập vào Việt Nam và 95 năm ngành cao su VN phát triển song hành cùng đất nước, trải qua bao khó khăn gian khổ, bao trăn trở cùng những hoài bão lớn lao, và cả những đổi thay của biết bao thế hệ, ngành cao su Việt Nam đã và đang vững bước trên con đường hội nhập, lịch sử ngành cao su tiếp tục được bồi đắp, truyền thống ngành ngày càng thêm phong phú, những trang sử mới hào hùng. Những đóng góp to lớn về các mặt hoạt động và thành tích đạt được của ngành cao su, đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận tôn vinh bằng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó phần thưởng cao quý nhất là Huân chương Sao Vàng năm 2012 cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN.
Tháng 10 về lại chiến trường xưa – nơi được xem như “địa ngục trần gian” giờ đã là vùng quê trù phú với những cánh rừng cao su tít tắp, “Cao su – Dòng chảy cuộc sống” trong ngần dưới ánh nắng ban mai, âm thanh rộn ràng của nhịp sống lao động với khí thế hăng say mùa thi đua nước rút, chạy đua thời gian để hoàn thành kế hoạch năm. Dưới đôi bàn tay của những người thợ giỏi, những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, những dòng nhựa trắng bất tận trên mảnh đất Phú Riềng Đỏ mang lại phồn vinh cho quê hương, đất nước, khát vọng về sự phát triển vững bền của ngành cao su Việt Nam.
NGUYỄN NGUYÊN
Related posts:
- Người xây ước mơ
- Đội văn nghệ TCT Cao su Đồng Nai: Điểm sáng trong hoạt động đời sống tinh thần của công nhân
- Cảm xúc trên miền đất mới
- Nhớ "ngày hội" báo chí ở đất Sài Thành
- Những "chiến binh" thầm lặng
- Trung thu ấm áp
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Cái lạnh trên lô mùa cuối năm
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975): Kiềm chế dịch bệnh
- Tục Tằng cẩu của người Thái ở Sơn La