CSVN – Vinh dự và tự hào, đó không chỉ là nhận xét của các cấp lãnh đạo ở Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông mà còn chính bản thân người đảng viên trẻ Rơ Lan H’Anh – Công nhân Đội 16, NT Suối Mơ khi được hỏi về những thành tích mà chị đã giành được trong quá trình làm công nhân cao su.
Trưởng thành từ nghị lực vượt khó
Gặp lại H’Anh ngay tại Đội 16, trong bộ quần áo truyền thống của người công nhân cao su còn dính đầy những giọt “vàng trắng” như vừa kết thúc buổi thu hoạch mủ. Dáng người nhỏ bé, nước da ngăm đen vì dầm mưa dãi nắng, nhưng vẻ mặt luôn tươi cười, không một dấu hiệu mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả. Vẻ bề ngoài ấy, không có gì là đặc biệt cho đến khi H’Anh chia sẻ về gia cảnh của mình.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, có 4 anh chị em ở làng Pó – xã Ia Kly, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Cả cha và mẹ H’Anh đều là người từ làng khác đến lập nghiệp, năm 1997 mẹ H’Anh được nhận vào làm công nhân trồng mới, chăm sóc cao su của Đội 16 và nên duyên với cha của chị là một chiến sỹ công an điều tra của huyện Chư Prông.
H’Anh chia sẻ với chúng tôi về tuổi thơ của mình: “Em nhớ, lúc còn nhỏ nhà em nghèo lắm, vì cả cha và mẹ đều là người di cư từ làng khác đến đây lập nghiệp, nên không có đất đai, nhà cửa gì hết. Cha phải mượn cái phòng tạm nhốt mấy người phạm tội cho gia đình ở”.
Là con gái trong gia đình theo chế độ mẫu hệ của người Ja Rai, Rơ Lan H’Anh dường như phải gánh tất cả những nặng nề, trách nhiệm của người “trụ cột” trong gia đình, cho nên tuổi thơ H’Anh không còn vất vả nào bằng khi phải thường xuyên ra lô cao su phụ mẹ nhằm trang trải cuộc sống cho gia đình.
H’Anh chia sẻ với chúng tôi trong vẻ tiếc nuối: “Ngày nhỏ, em thích được đi học lắm, đó là ước mơ của em, chỉ cần được đến lớp học khổ mấy em cũng chịu đựng được, nhưng cuộc sống nghèo khó đã không cho em thực hiện ước mơ đó. Em đã khóc rất nhiều khi không được đến trường, học hết lớp 9 em phải nghỉ học, lúc ấy em luôn trốn mình đi như muốn quên việc học, nhưng trong em vẫn luôn khao khát được đến trường, em thèm được đi học và khóc thật nhiều khi phải bỏ học, em thu mình lại, lặng lẽ trong tiếng nấc theo mẹ ra lô cao su. Và cũng có lần em phải khóc một mình giữa đêm khuya thanh vắng, bởi nhà nghèo đến mức không còn tiền đổ xăng ra lô. Giữa đường xe hết xăng, giữa đêm tối em vừa đi vừa khóc, tủi thân cho thân phận nghèo khổ của mình”.
Cuộc sống khốn khó, gian nan ấy cũng dần tan biến theo sự phát triển của cây cao su. Cây cao su cho mủ cũng là lúc gia đình H’Anh có điều kiện hơn, cha mẹ gom góp bao năm cuối cùng cũng mua được mảnh vườn nho nhỏ, dựng căn nhà cho gia đình nơi làng Pó. Người anh trai đầu tiếp bước nghiệp cha đi làm công an nghĩa vụ ở xã, người em út cũng nối gót theo anh vào ngành công an rồi về làm ở huyện.
Nhìn anh, em được cắp sách đến trường, nhưng không đi đến đích cuối cùng, H’Anh cảm thấy tiếc: “Mình ước ngày đó cha mẹ cho mình đi học như các anh chị em khác trong nhà, mình thấy tiếc khi anh và em mình học hết cấp 3 rồi mà không đi học tiếp, mình cũng muốn theo cha nhưng không đủ điều kiện vì trình độ học vấn, tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng…”.
Năm 2013, khi H’Anh tròn 18 tuổi, cũng là lúc mẹ phải nghỉ hưu do tuổi già, sức yếu, cha chị cũng nghỉ hưu sau đó vài năm. H’Anh quyết định nộp hồ sơ xin làm công nhân cao su theo nghiệp mẹ và chị nhanh chóng được nhận suất của chính mẹ mình để lại, vì theo H’Anh “đã yêu cây cao su rồi, giờ không thể bỏ được”.
Bước chân vào nghề cạo mủ cao su với ý thức, trách nhiệm rõ ràng, tâm niệm cây cao su đã gắn tuổi thơ của mình với nó, H’Anh chỉ biết nỗ lực, cố gắng làm thật tốt để có tiền lương, thu nhập ổn định nhằm chăm lo cho gia đình mà không hề nghĩ rằng đó là sự khởi đầu cho một tương lai xán lạn của 1 trong 41 gương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XIII năm 2022 và là một “Công dân trẻ tiêu biểu” tỉnh Gia Lai giai đoạn 2019 – 2024.
… Cho đến viết nên trang sử vàng trong nghề
Suốt gần một buổi trò chuyện, sau nhiều lần gợi ý, cuối cùng H’Anh cũng đồng ý đưa chúng tôi về thăm tổ ấm của mình. Những lối nhỏ, ô bàn cờ trải bê tông nằm sâu phía trong của đường huyện lộ nơi làng Pó đã úa màu, rêu phong.
Hiện ra trước mắt chúng tôi là căn nhà xây kiên cố, khang trang trong khu vườn nhỏ, được bao quanh bởi những cây cà phê đang trĩu quả, đan xen là vài cây ăn quả, luống rau xanh cải thiện bữa cơm gia đình. Vườn rau cũng chính là thành quả sự hưởng ứng Phong trào “Vườn rau sạch gia đình” mà Công đoàn công ty đã phát động từ nhiều năm qua.
Đôi bàn tay thoăn thoắt, đôi chân nhanh nhẹn H’Anh tiến vào bếp nấu ấm nước pha trà mời khách. Trong thời gian chờ đợi, H’Anh cho chúng tôi xem những danh hiệu của bản thân và gia đình đã giành được trong quá trình học tập, lao động sản xuất. Chiếc bằng khen 2024 của Chủ tịch tỉnh Gia Lai ký tặng vừa mới nhận, còn chưa kịp treo, H’Anh tạm thời cất vào trong tủ, nhưng có lẽ chị muốn khoe với chúng tôi những danh hiệu mà chị đã giành được từ công việc của một người thợ cạo mủ cao su nhiều hơn.
Từ một người sống thu mình với thế giới bên ngoài vì không được đi học, Rơ Lan H’Anh đã nhanh chóng thể hiện mình khi được chọn là công nhân tiêu biểu của đơn vị tham gia Hội thi Thợ giỏi thu hoạch mủ của nông trường, rồi công ty chỉ sau 3 năm đi cạo mủ.
Những bỡ ngỡ của của ngày đầu đi dự thi, ngại ngùng trước đám đông đã nhanh chóng tan biến bằng nghị lực vượt khó của một cô gái trẻ, vốn khao khát được vươn lên bằng còn đường học vấn. H’Anh kể: “Khi được chọn để đi thi, em đã học ngày, học đêm không kể thời gian. Cứ mỗi lần rảnh là em mang sách ra đọc, có nhiều lúc mệt quá cứ ngủ gà, ngủ gật, giật mình tỉnh dậy lại đọc, đọc được vài chữ lại ngủ… nhưng em thích được học, được đọc lắm, nên em đã không bỏ cuộc và tiếp tục nỗ lực, cố gắng”.
Sự cố gắng, nỗ lực ấy đã không uổng phí mà được đáp đền bằng những thành quả hết sức tự hào, đó là kết quả khai thác của H’Anh hàng năm luôn vượt từ 8 – 15% kế hoạch, năm nào cũng được công ty, Tập đoàn và Công đoàn Cao su Việt Nam khen tặng. Ấn tượng nhất vẫn là những danh hiệu cao quý trong nghề cạo mủ, nổi bật phải kể đến lần đầu chị tham gia hội thi cấp nông trường vào năm 2018 và giành được giải nhì.
Đặc biệt, vào năm 2020 chị cùng với đoàn thợ giỏi Cao su Chư Prông gặt hái được những thành tích hết sức ấn tượng tại Hội thi Thợ giỏi thu hoạch mủ cao su cấp ngành, tổ chức tại Cao su Phú Riềng với 3 danh hiệu là “Bàn tay vàng”; giải thưởng “Công nhân người dân tộc thiểu số cao điểm nhất” và giải “Tài năng trẻ”, góp phần quan trọng vào thành tích đạt giải khuyến khích toàn đoàn cho công ty.
Liên tiếp các năm sau đó, Rơ Lan H’Anh tiếp tục được vinh danh là “Công dân trẻ tiêu biểu tỉnh Gia Lai giai đoạn 2019 – 2024”; danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XIII, năm 2022, Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII, năm 2023; Đặc biệt, chị là 1 trong 3 cá nhân xuất sắc được chọn tham gia chương trình Tọa đàm giao lưu các gương mặt “Người thợ trẻ giỏi” tiêu biểu giai đoạn 2020 – 2022, tại lễ tuyên dương do TW Đoàn tổ chức vào ngày 15/5/2022 tại Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua, chị Rơ Lan H’Anh đã được nhận nhiều bằng khen của VRG, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai; nhiều năm liền đạt Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Thành tích đó đã tô đậm những trang sử vẻ vang đáng tự hào trong cuộc đời làm công nhân cao su của người con gái Jarai bé nhỏ. Những thành quả đó đã được Chi bộ Nông trường Suối Mơ, Đảng bộ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông ghi nhận, đánh giá cao và kết nạp chị đứng vào hàng ngũ của đội quân tiên phong là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 4/3/2024.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Người thầy sáng tạo mô hình hữu ích
- Đoàn Minh Đức - Người cán bộ tận tụy theo gương Bác
- Cao su Bình Long họp mặt hơn 70 cán bộ hưu trí
- Người chọn cao su phát triển sự nghiệp
- An cư lạc nghiệp trên vùng biên giới
- Nuôi gà ta tăng thu nhập
- “Ngành cao su cần chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ"
- Phan Thị Doanh - Nữ công nhân làm tròn cả hai vai
- Đổi đời khi vào vùng cao su lập nghiệp
- Góp sức cho con đường lên đồi cao su