Dự báo thị trường cao su polyisoprene tổng hợp toàn cầu đạt 1,3 tỷ đô la vào năm 2032

CSVN – Theo tổ chức Future Market Insights (Thông tin chi tiết về thị trường trong tương lai), nhu cầu về ngành cao su polyisoprene tổng hợp có thể được thúc đẩy bởi ứng dụng rộng rãi trong sản xuất lốp xe, dây đai, giày dép và phụ kiện y tế như găng tay y tế và bóng y tế. Thị trường toàn cầu dự kiến sẽ mở rộng với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 6,2% từ năm 2022 – 2032. Thị trường Đông Á sẽ tiếp tục thống trị. Từ các yếu tố đó, thị trường cao su polyisoprene tổng hợp toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1,3 tỷ đô la vào năm 2032.

Cao su polyisoprene tổng hợp được sử dụng rộng rãi làm vật liệu cơ bản trong sản xuất lốp xe. Ngoài ra, nhu cầu về cao su polyisoprene tổng hợp đã tăng lên do nhận thức cao hơn của người sử dụng lao động về việc sử dụng găng tay công nghiệp và nhu cầu về găng tay y tế ngày càng tăng. Ngoài giày dép, cao su polyisoprene tổng hợp còn được sử dụng trong sản xuất keo dán và chất trám, dây đai và các sản phẩm khác trong các ngành công nghiệp và xây dựng.

NGUYỄN ANH NGHĨA

(Theo RubberWorld)

Nền tảng kỹ thuật số dành riêng cho cao su thiên nhiên bền vững

Agridence, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực số hóa chuỗi cung ứng hàng hóa nông nghiệp, có trụ sở tại Singapore đã phát triển một nền tảng kỹ thuật số dành riêng cho các yêu cầu báo cáo của Nền tảng toàn cầu về cao su thiên nhiên bền vững (GPSNR) với mục đích đơn giản hóa quy trình báo cáo, thu thập và tổng hợp dữ liệu về tính bền vững cho chuỗi giá trị cao su thiên nhiên.

Khi ứng dụng này lần đầu tiên được giới thiệu với các thành viên GPSNR vào năm 2022, một nhà sản xuất lốp xe lớn đã liên hệ với Agridence để phát triển giải pháp cải thiện quy trình báo cáo và giúp việc hợp nhất và tổng hợp dữ liệu dễ dàng hơn. Vào năm 2023, hai nhà sản xuất lốp xe lớn khác đã bắt đầu sử dụng công cụ này. Trước đó, một số thành viên GPSNR đã bày tỏ lo ngại về việc yêu cầu quá nhiều báo cáo cho khách hàng, với các định dạng khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, GPSNR đã chỉ định Agridence làm nhà cung cấp dịch vụ và phát triển một biểu mẫu trực

tuyến để người dùng đăng nhập, làm việc trên biểu mẫu và gửi biểu mẫu chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Dữ liệu sau đó sẽ được hợp nhất theo một định dạng thống nhất để giảm bớt nỗ lực định dạng lại dữ liệu thành một tệp duy nhất để tổng hợp dữ liệu. Vào năm 2024, Agridence đã nâng cấp sản phẩm của mình để GPSNR và tất cả các thành viên có thể sử dụng nhằm hợp lý hóa hơn nữa quy trình báo cáo.

GPSNR là một nền tảng quốc tế do các thành viên thúc đẩy được thành lập để xác định tính bền vững cho chuỗi giá trị cao su thiên nhiên. Nền tảng này tập hợp nhiều bên liên quan khác nhau để cùng nhau xây dựng một nền tảng chung dựa trên sự công bằng, bình đẳng và tính bền vững về môi trường. Thành viên rất đa dạng và rộng mở cho tất cả mọi người trong ngành cao su thiên nhiên. 60% nhu cầu cao su thiên nhiên của thế giới là thành viên trong GPSNR.

NGUYỄN ANH NGHĨA

(Theo RubberWorld)

Tường cao su ngăn lũ
Tường cao su ngăn lũ tại Kenya

Mực nước sông Ngare Narok hiện đang ở mức an toàn, nhưng vào tháng 5 năm nay, nước đã tràn bờ trong trận mưa lớn quét qua Kenya. Trong khi mọi người buộc phải thực hiện những chuyến đi nguy hiểm qua những con phố ngập lụt, một số người đã tận dụng công nghệ mới để bảo vệ nhà cửa của họ. Đó là những bức tường chắn lớn làm bằng cao su đen, bên trong rỗng ruột để chứa nước, đang được những người sống gần sông, suối sử dụng để đập ngăn lũ.

Ông Frederick Njuguna sống cách sông Ngare Narok chỉ 50 mét, nhưng khi con nước cuồn cuộn lao tới, nó đã bị chặn lại bởi con đập ngăn lũ làm bằng tường chắn cao su và nước đã không thể chảy vào nhà ông. Chia sẻ với hãng tin AP, ông Njuguna cho biết nếu không có những bức tường ngăn nước này, ông có thể bị thiệt hại từ trên 40 – 50 triệu Shilling (khoảng 310.000 – 390.000 USD). Nhưng công dụng của tường chắn cao su không chỉ có vậy. Khi mùa mưa kết thúc, các tường chắn trước đây ngăn lũ trở thành giải pháp tiện lợi và đơn giản cho mùa khô. Thay vì tháo van rút nước trong các bức tường chắn lũ, ông Njuguna có thể dùng bơm hút nước chứa trong đó để tưới cây, hết nước ở tường chắn này thì chuyển sang dùng nước ở tường chắn tiếp theo.

Một ví dụ khác về hiệu quả của tường chắn ngăn lũ là trường hợp của bà Fridah Nduuru, một người quá hiểu về sự tàn phá của mưa lũ. Vào một ngày chủ nhật nọ, khi đang ở nhà thờ thì bà Nduuru nhận được tin báo động từ hàng xóm rằng ngôi nhà của bà ở Buuri, Meru đang bị ngập lụt. Bà Nduuru, vội vã về nhà để cứu đồ đạc của mình và nhìn thấy một dòng nước chảy từ trên đồi qua khu nhà của bà, đe dọa sự tồn vong của trang trại của bà. Nhưng khác với trước, giờ đây, bà Nduuru đã đặt tường chắn nước dọc theo dòng chảy để dẫn nước ra khỏi nhà. Các tường chắn này được Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV, một quỹ thiện nguyện của Hà Lan) trao tặng với giá trị khi nhập khẩu vào Kenya của mỗi một tường chắn nước là khoảng 250.000 Shilling (1.947 USD). Từ khi có nó, mưa lớn đã không thể làm ngập nhà và phá hủy tài sản của bà Nduuru. “Giờ đây, tôi đã an toàn và ngôi nhà của tôi không còn bị ngập nữa’’, bà Nduuru chia sẻ. Đập chắn nước mà ông Njuguna và bà Nduuru sử dụng được xây dựng bởi các tường chắn làm từ cao su chịu nhiệt. Các tường chắn nước này được thiết kế mỗi cái dài 5 mét, rộng 1,5 mét và cao 1 mét, có sức chứa 8.000 lít nước mỗi tường. Để đảm bảo hiệu quả, các tường chắn nước này phải được đặt gần nhau, tạo thành một hàng rào chặt chẽ ngăn chặn mọi khoảng hở mà nước lũ có thể rò rỉ qua. Một số tường chắn nước được đặt gần sông suối để bảo vệ cộng đồng địa phương bởi thực tế cho thấy trong một số trường hợp cực đoan, nước sông suối có thể dâng cao hơn bình thường 1 mét và sự xuất hiện của các bức tường chắn nước sẽ làm bờ sông, suối cao thêm 1,5 mét, không cho nước tràn vào các cộng đồng, làng mạc và trang trại.

Q.K (Theo AP)