CSVN – Nhà tôi nằm sâu trong rẫy, dưới chân ngọn núi cao, xung quanh bao bọc bởi những cánh rừng cao su xanh ngắt. Người dân quê tôi đa phần đều làm công nhân cạo mủ cho nông trường xã Hòa Phú, thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh. Trong đó có cả mẹ và các dì của tôi đều theo nghề cạo mủ. Dòng nhựa trắng từ cây cao su đã giúp nuôi sống nhiều gia đình, nhiều thế hệ, trong đó có gia đình của tôi.
Ngày tôi còn nhỏ, xã Hòa Phú nơi tôi ở dân cư còn thưa thớt. Ban ngày nhìn quanh chỉ thấy một màu xanh của cao su trải rộng đến ngút ngàn. Đêm xuống thì bị bao phủ bởi một màu đen nghịt của bóng tối. Vậy mà trong màn đêm tĩnh mịch đó, những người công nhân cạo mủ vẫn luôn chăm chỉ, lạc quan, vượt qua biết bao khó nhọc, hăng say khai thác từng giọt “vàng trắng” cho nông trường. Những chén mủ cao su thấm đẫm biết bao giọt mồ hôi, nhưng đó cũng chính là chén cơm, nguồn sống của người thợ cạo. Mẹ tôi thường bảo cạo mủ nếu không có tình yêu nghề thì người công nhân khó lòng bám trụ. Cũng chính vì tình yêu với cây cao su mà mẹ tôi đã làm công nhân cạo mủ được hơn 20 năm. Bởi vậy chị em tôi từ khi lên năm, lên mười đều đã biết cầm dao cạo mủ, cầm xô đi trút mủ, lớn lên trong mùi mủ cao su ngai ngái nghĩa tình.
Tôi nhớ trong ký ức của thời thơ ấu, mẹ tôi thường đạp xe đạp đi vào rừng cao su sâu hun hút, ngoằn ngoèo uốn lượn. Trời về đêm lạnh buốt, hành trang mà mẹ mang bên mình chỉ là chiếc dao cạo mủ, đèn pin và thùng đựng mủ. Cả quả đồi rộng lớn chỉ lốm đốm vài ba ánh đèn của người công nhân đang khai thác mủ dưới tán rừng cao su trong màn đêm mờ ảo. Trên những ngọn cây còn đọng hơi sương lạnh, từng cơn gió thổi qua khiến những chùm hoa cao su trắng li ti rơi xuống, tỏa hương ngạt ngào. Như thường lệ, mẹ tôi dùng móng tay bấm sợi mủ dây kéo lên rồi cẩn thận đặt dao cạo gọt vỏ cây phát ra âm thanh sồn sột. Đôi tay mẹ thoăn thoắt, chân mẹ bước đi thật nhịp nhàng, uyển chuyển, kết thúc một vòng, từng giọt mủ trắng tinh khiết rơi tí tách nghe thương đến lạ. Cứ hết cây này rồi đến cây khác, hàng này qua hàng khác, phải đến khi bình minh ló dạng mẹ tôi mới kết thúc đường cạo cuối cùng.
Hàng ngày sau những buổi học, chị em tôi thường tranh thủ ra lô phụ mẹ trút mủ. Ngắm nhìn những chén mủ lưng lưng, sóng sánh, chị em tôi hồn nhiên nói cười, gọi nhau í ớ. Sau khi trút mủ xong, từng giọt “vàng trắng” ấy được mẹ tôi chở lên lán để các chú đưa lên xe chở về nhà máy ủ đông, chế biến, cán ép, qua bàn tay khéo léo của người công nhân trải qua nhiều công đoạn, mủ cao su biến hình thành những chiếc nệm êm ái, thành săm, lốp xe và rất nhiều vật dụng cần thiết khác phục vụ cho đời sống của con người.
Hồi đó lũ con nít trong xóm chúng tôi thường đua nhau trèo lên những cây cao su cao vút, ngắm nhìn màn sương mù đặc quánh như ôm trọn những cánh rừng cao su hay những vệt khói mờ ảo bay từ những nóc nhà ngói lợp. Bây giờ nghĩ lại còn thấy rùng mình. Nhớ có lần thằng Tí bị ngã, gãy xương cẳng tay. Thế là từ đó mẹ không cho chúng tôi chơi trò chơi nguy hiểm đó nữa.
Vào những ngày cuối năm, cả quả đồi cao su vàng rực, sản lượng mủ chẳng còn là bao cũng là lúc mẹ tôi được nghỉ cạo. Những chiếc lá lìa cành, nhường chỗ cho lá xanh non tràn đầy sức sống. Cả nhà tôi lại kéo xe cộ rùa ra, cùng phụ mẹ dọn chén, kiềng, máng mang về nhà cọ rửa sạch sẽ. Theo lệnh của chú tổ trưởng để chủ động phòng chống cháy, chị em tôi cùng mẹ quét lá vào đường luồng để đốt. Từng làn khói bốc lên lùa cay cay mắt hay một chút suy tư xa vời dần tan đi theo nắng chiều. Khi mùa mưa đến, cây cao su tươi tốt, sum suê, hồi sức sau mấy tháng mùa khô. Cây cao su sung mãn vì được nghỉ ngơi tích nhựa một thời gian dài. Vươn vai, sẵn sàng chờ để người công nhân khai thác. Khi tầng lá ổn định, che rợp cả mặt đất cũng là lúc mẹ tôi bước vào mùa cạo mới. Và mẹ tôi đã có hơn 20 mùa cạo như thế.
Hôm nay tôi trở về thăm rừng cao su, mẹ tôi đã được nghỉ hưu sau bao năm vất vả, tảo tần. Quê tôi có nhiều đổi thay, những ngôi nhà mái ngói đã được thay bằng những ngôi nhà mới khang trang. Điện đã sáng tới từng ngõ nhỏ. Bạn bè cũng đã bỏ quê đi hết, nhưng rừng cao su vẫn còn đó, xanh mơn mởn. Đứng trước rừng cây, nghe tiếng gió thổi rì rào, tôi không khỏi bùi ngùi khi nghĩ về những buổi được theo mẹ đi trút mủ, nghe đâu đây tiếng cười giòn tan của chị hai. Đi trên con đường trải nhựa và bê tông, tôi thấy nhớ da diết con đường đất đỏ quanh co năm nào. Bỗng dưng, tôi thấy mình nhỏ bé trước rừng cao su xanh ngắt.
HỒ THỊ THÙY TRANG
Related posts:
- 12 chỉ đạo của Tổng giám đốc Tập đoàn ngay từ đầu năm
- "Đa số người lao động đều thuộc các bài hát về ngành cao su sau Liên hoan"
- “Nông nghiệp tái tạo” - biện pháp khôi phục và duy trì sức khỏe của đất, góp phần giảm thiểu biến đổ...
- Trao quà nhỏ gửi niềm tin lớn
- Đ/c Trần Công Kha - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VRG chúc Tết CBCNV LĐ
- Nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, bền vững
- Đảng bộ VRG góp sức xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội giữ vững an ninh quốc phòng
- Công ty CPCS Quasa – Geruco sẽ thực hiện vượt các chỉ tiêu năm 2021
- VRG tham gia hội nghị tập huấn kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về công tác xây dựng Đảng
- Cao su Kon Tum 12 năm giữ vững danh hiệu thành viên CLB 2 tấn/ha