CSVN – 11 năm gắn bó với nghề cạo mủ, chị Nguyễn Thị Phong Lan – Công nhân tổ 5 khu vực 1, Nông trường Cầu Khởi, Cao su Tây Ninh luôn hoàn thành kế hoạch sản lượng (KHSL) hàng năm. Không chỉ vậy, chị còn ham học hỏi, tìm tòi và có sáng kiến làm lợi cho nông trường.
Luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng hàng năm
Chị Lan sinh năm 1984, xuất thân trong một gia đình truyền thống làm cao su. Từ nhỏ, chị đã theo phụ giúp mẹ cạo mủ. Đến năm 2010, chị chính thức xin vào làm ở Nông trường Cầu Khởi và trở thành thế hệ thứ tư làm công nhân cạo mủ trong gia đình.
Bằng tình yêu nghề, chị năng nổ, nhiệt huyết, luôn phấn đấu hoàn thành tốt công việc. Bên cạnh đó, chị cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm từ thế hệ đi trước để áp dụng vào công việc trên vườn cây. Nhờ vậy, chị luôn hoàn thành xuất sắc KHSL. Đặc biệt, trong ba năm mới đây, chị là một trong 20 công nhân hoàn thành vượt mức KHSL đầu tiên của nông trường.
Năm 2019 và năm 2020 chị đều hoàn thành KHSL vào ngày 21/10. Năm 2021, với sản lượng được giao là 12,75 tấn, chị đã hoàn thành vào ngày 27/10.
Bà Đỗ Quyên – Phó Bí thư chi bộ, Phó Chủ tịch Công đoàn Nông trường Cầu Khởi cho biết: “Chị Lan là một công nhân chăm chỉ, chịu khó, kiểm tra quy trình kỹ thuật luôn đạt loại giỏi trở lên. Ngoài ra, công tác chăm sóc vườn cây KTCB, trồng mới tái canh hàng năm đúng quy trình kỹ thuật, luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, chị là một Tổ trưởng Nữ công năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của đơn vị, luôn chăm lo, giúp đỡ cho chị em trong tổ và được mọi người quý mến”.
Sáng kiến làm lợi cho công ty
Trong công việc, chị luôn quan sát, học hỏi đồng nghiệp và sách báo, mạng Internet, không ngừng trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm để thực hiện quy trình khai thác và chăm sóc cây cao su tốt nhất. Với lòng yêu nghề, yêu vườn cây, chị luôn tìm tòi, phát huy sáng kiến để làm lợi cho đơn vị.
Bình quân diện tích vườn cây mỗi công nhân trong tổ đảm nhận là hơn 4,7 ha. Trong quá trình khai thác, công nhân không tránh khỏi việc cạo phạm, từ đó gây ảnh hưởng không ít đến năng suất vườn cây. Vì vậy, công tác bôi dầu chăm sóc vết phạm là việc làm thường xuyên, hằng ngày của công nhân. Từ thực tế đó, năm 2020, chị đã có sáng kiến “Nâng cao hiệu quả công tác bôi dầu vết phạm trên vườn cây” và được công nhận sáng kiến cấp công ty.
Chị chia sẻ: “Tôi luôn trăn trở làm sao để công tác bôi đầu vết phạm nhanh gọn,vết phạm mau lành, không bị dính vào tay và tiết kiệm dầu. Vì vậy, tôi đã có sáng kiến bỏ dầu vào ống tiêm y tế bằng nhựa, khi có vết phạm thì lấy ra bơm vào vết phạm. Từ đó công tác bôi dầu vết phạm trên vườn cây rất nhanh, vết phạm trên mặt cạo nhìn rất gọn, sạch, dầu không bị lem ra mặt cạo. Việc làm đó đã giúp những vết phạm trên vườn cây mau ra da và phục hồi nhanh”.
Sáng kiến của chị được áp dụng trên toàn bộ nông trường, góp phần nâng cao năng suất lao động, giúp công nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tăng thêm thu nhập. Từ đó góp phần giúp nông trường hoàn thành nhiệm vụ SXKD.
Với những nỗ lực và đóng góp của mình, nhiều năm liền chị Lan được nhận bằng khen của VRG, công ty. Năm 2020, chị xuất sắc đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua. Đó là những phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp không ngừng nghỉ của chị và là động lực để chị tiếp tục sáng tạo và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đơn vị.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- "Vui - chén xi măng"
- Tận tâm với công việc, tâm huyết với ngành
- Chị Lê Thị Thương được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021
- Lê Đăng Định - Vượt kế hoạch hàng năm từ 20-30%
- Chung tay xây dựng và giữ vững truyền thống
- Bùi Quốc Hùng: Gương điển hình từ sức trẻ
- Người chủ tịch công đoàn với phương châm "nói ít làm nhiều"
- Ước mong năm mới giá mủ cao su khởi sắc để người lao động có thu nhập tốt hơn
- "Cao su luôn là mái nhà chung ấm áp tình người"
- Trần Thị Nguyệt: Vượt khó, đi đầu về sản lượng khai thác