Những tấm gương sáng phụ nữ trong lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam

CSVN – Trong lịch sử hào hùng của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã luôn giữ vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn.

Ảnh: Vũ Phong

Từ khi có Đảng lãnh đạo, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đầy hy sinh gian khổ nhưng vô củng vẻ vang, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến lớn lao, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những thắng lợi vĩ đại.

Chúng ta đang ở thời điểm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930- 20/10/2021), kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929-28/10/2021). Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam bắt đầu từ khi cây cao su di nhập vào Việt Nam cách đây 124 năm, sự hình thành các đồn điền cao su do người Pháp cai trị, sự ra đời của công nhân cao su.

Đặc biệt là từ ngày có Đảng (28/10/1929) là lịch sử đấu tranh liên tục chống áp bức bóc lột xóa nô lệ lầm than, đấu tranh giành chính quyền, chiến đấu chống thực dân, đế quốc xâm lược giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, phát triển và hội nhập.

Trong pho sử bằng vàng ấy phụ nữ công nhân cao su Việt Nam xứng đáng với truyền thống “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, của con cháu Bà Trưng – Bà Triệu. Từ truyền thống của “Phú Riềng đỏ” anh hùng có biết bao nhiêu tấm gương sáng của phụ nữ công nhân cao su suốt chặng đường 92 năm oanh liệt. Sử sách ghi chép không hết, nguồn tư liệu bị thất lạc, những chứng nhân lịch sử đã về thế giới bên kia theo thời gian.

Thế hệ những người thợ cao su hôm nay phải có trách nhiệm giữ gìn các giá trị lịch sử truyền thống đó. Sưu tầm bổ sung vào lịch sử tên tuổi, sự nghiệp, chiến công, các hiện vật vật thể, phi vật thể của những nhân vật lịch sử đó làm cho pho sử bằng vàng của ngành cao su ngày càng đầy đủ, phong phú, sáng mãi giá trị anh hùng của một giai cấp công nhân của một ngành có bề dày truyền thống của phụ nữ Việt Nam suốt 91 năm qua.

Khi chúng tôi nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam qua tác phẩm lịch sử cùng tên và tác phẩm “100 năm cây cao su Việt Nam” của tác giả Đặng Văn Vinh (Nguyên Tổng Cục phó Tổng Cục cao su Việt Nam) xuất bản năm 2000, chúng tôi phát hiện nhiều điều thú vị, nhiều tư liệu lịch sử giá trị.

Tác giả đã dành 5 trang trong quyển sách để viết về những tấm gương sáng của phụ nữ công nhân cao su thời chống Pháp, chống Mỹ mà ông biết được trong quá trình sưu tầm các tư liệu, nghiên cứu về đất, người và cây cao su trong suốt chặng đường di nhập, hình thành và phát triển. Nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống công nhân cao su Việt Nam, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu những tấm gương sáng ấy của phụ nữ cao su với tâm niệm là một nén hương thơm tri ân những bà mẹ, chị của thế hệ hôm nay và cũng tri ân ông Đặng Văn Vinh cùng ông cha ta ngày ấy.

Đây cũng là dịp để cấp hội phụ nữ công nhân cao su tìm hiểu kỹ hơn, sưu tầm, bổ sung, nguồn tư liệu quý vào lịch sử phong trào công nhân cao su nói chung và truyền thống của phụ nữ công nhân cao su. Tuyên truyền, giáo dục ý chí cách mạng kiên cường, lòng yêu nước nồng nàn và cốt cách của phụ nữ cao su như tác giả đã viết:

“Hoàn cảnh hoạt động đấu tranh của người nữ công nhân cao su cũng như người nữ công nhân ngành khác và cũng như mọi người phụ nữ Việt Nam tham gia kháng chiến chống bọn xâm lược đều có phần khó khăn hơn so với nam giới. Bên cạnh nhiệm vụ của người chiến sĩ, của người công nhân yêu nước đang chiến đấu vì độc lập dân tộc, người phụ nữ thường phải gánh nhiệm vụ gia đình, mẹ già, con dại mà người chồng nhiều khi đành phải giao lại cho người vợ hiền…và cũng không phải hiếm thấy những trường hợp mà chồng hy sinh, tất cả gánh nặng này đè lên đôi vai của người nữ công nhân góa bụa.

Và còn một khó khăn rất lớn của chị em là trong đấu tranh không phải lúc nào chị em cũng có vũ khí trong tay mà thường chỉ có lòng can đảm, chí căm thù và trí thông minh khi đối mặt với quân thù”. Ông viết tiếp: Ở Trà Vinh có chị Út Tịch, người mẹ cầm súng với lời nói gang thép “còn một cái lai quần cũng đánh”; Ở Quảng Bình, chúng ta có đội nữ pháo binh Ngư Thủy.

Ở Miền Đông Nam Bộ, trong vùng cao su chúng ta cũng gặp những người phụ nữ anh hùng này; Ở Dầu Tiếng, trung đội nữ pháo binh đầu tiên của vùng Miền Đông Nam Bộ ra đời tháng 11 năm 1967 lấy tên là B4 do đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Ánh chỉ huy, sau một tuần huấn luyện, B4 đã tiếp cận chốt Mỹ ở lô 35 (làng 15 Dầu Tiếng) và dùng cốt 60 bắn hỏng 2 chiếc trực thăng đang hạ cánh để lấy quân.

Cũng năm 1967, đồn điền Bình Sơn cũng tổ chức được trung đội nã pháo binh của mình, vừa độc lập tác chiến, vừa đánh phối hợp. Và rất nhiều đồn điền có đội nữ du kích của mình (Cẩm Mỹ, Thanh Tuyền…).

Chị Nguyễn Thị Bé, du kích công nhân đồn điền An Lộc chịu trách nhiệm đưa thương binh lên CKD. Chị bị địch bắn gãy hai chân, nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, luôn luôn động viên đồng đội. Cuối cùng chị phải nói: “Em không thể đi đến nơi được với các anh chị. Quê em ở Long An, nhờ các anh chị báo lại gia đình”. Chị hy sinh năm 1970 lúc 21 tuổi.

Bên cạnh những thành tích chiến đấu kiên cường, chói lọi, chúng ta không quên được những sự đóng góp âm thầm, lặng lẽ, cũng bền bỉ, cũng mưu trí và rất dũng cảm của những người phụ nữ yêu nước. Trong cuốn sách “70 năm lịch sử công nhân cao su Dầu Tiếng” kể về một người phụ nữ trong 15 năm trời làm cho địch nhưng phục vụ cho cách mạng. Tên cô ấy là Nguyễn Thị Dậu, lúc đó người ta thường gọi là cô Ký Mạng; Anh em ta thì gọi là cô Nhất Mạnh, vì cô chỉ có một mình đơn độc chiến đấu trong văn phòng của tên Quận trưởng Dầu Tiếng.

Người dân Dầu Tiếng còn nhớ hình ảnh của một người phụ nữ thường mặc áo dài đen, không son phấn, nhưng trông người thanh lịch và đôn hậu. Cô Dậu làm những căn cước giả cho người của ta và cô cung cấp cho ta những tin tức về địch. Khi Nguyễn Văn Thiệu đưa ra cái gọi là Đảng Dân chủ của y, cô Ký Mạng không ghi tên. Địch hỏi vì sao, có phải cô là Việt Cộng? Cô Ký Mạng trả lời: “Tôi không hiểu Đảng Dân chủ làm gì nên không vô”.

Ảnh: Vũ Phong

Bà Mười Kinh ở làng 2 Dầu Tiếng. Chồng bà là một công nhân bị địch bắt trong một cuộc đấu tranh tại thị trấn năm 1961 và bị địch thủ tiêu. Bà nuôi 5 đứa con và một người con rể, cả 6 người đều hy sinh. Hai người con trai và người con rể của bà hy sinh cùng một lúc trong trận chiến đấu, thi hài ba người đang quàn trong nhà. Gia đình bị tang tác đến như vậy nhưng khi thấy cán bộ ta đến thì bà khoát tay bảo im lặng và coi chừng…và ra nhà sau trút hết phần gạo của mình vào bòng cho bộ đội.

Bà Nguyễn Thị Mùi, công nhân đồn điền Bình Ba, chồng chết sau một thời gian, thoát ly theo kháng chiến; ba trong năm người con của bà tham gia kháng chiến và đã anh dũng hy sinh. Bà bị địch bắn gãy một chân và nhiều lần vào tù ra khám. Từ năm 1960, bà đã đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ. Bị địch xúc vào ấp chiến lược, bà tìm cách cắt hàng rào dây kẽm gai để liên lạc với lực lượng kháng chiến và chuyển lương thực, thuốc men tiếp tế cho bộ đội.

Trong thời kỳ phá ấp chiến lược (1962-1965) ở đồn điền Cẩm Mỹ, chị Sáu Thoại, phụ trách tự vệ mật trong đồn điền phát hiện tên Phước, một tên phản động nguy hiểm đã chui sâu vào hàng ngũ của ta, nhưng chi bộ Đảng không nghe. Sau đó chị Sáu Thoại vẫn giữ một tấm lòng trung thành với cách mạng, mặc dù lúc ấy chị không phải là Đảng viên. Chị bị địch nhốt trong nhiều nhà tù và chị bị 5 lần tăng án.

Sau cùng từ Côn Đảo chị Sáu Thoại trở về lại chiến trường xưa là nông trường Cẩm Mỹ vào ngày 1/5/1975, sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thân hình tàn tạ, nhưng ý chí vẫn kiên cường, chị Sáu được đồng bào, đồng chí mến phục và yêu thương như một chiến sĩ trung kiên, bất khuất, một người con gái anh dũng đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Một tấm gương hy sinh anh dũng tuyệt vời nữa của một chiến sĩ là công nhân cao su, của một bà mẹ đã để lại trong lòng người dân cao su niềm thương tiếc vô hạn và một nổi hận thù lớn đối với sự tàn ác của quân xâm lược: Chị Nguyễn Thị Hiệu. Chị Hiệu là công nhân làng Cốt Rang (section C của đồn điền An Lộc). Chồng chị Hiệu cũng là công nhân bị địch bắt và cắt cổ năm trước, để lại cho chị ba đứa con nhỏ; đứa lớn nhất mới tròn một tuổi. Chị bị giặc Pháp bắt đang đi liên lạc cho cơ quan báo huyện Xuân Lộc. Chúng tra tấn dã man, nhưng chị không khai, chúng uy hiếp tinh thần chị bằng cách dọa bắn các con, nhưng chị không hé răng khai báo một lời.

Cuối cùng chúng kéo lê chị ra một bãi đất trống trong đồn điền An Lộc. Chị Hiệu cố gắng hết sức mình đứng lên. Chị nhìn ba đứa con dại, chị nhìn những công nhân An Lộc và bà con xung quanh, môi mấp máy như gửi gắm con thơ cho đồng bào, đồng chí mình và nhắc bà con hãy nhớ mối thù bọn xâm lược. Địch đã bắn chị trên mảnh đất An Lộc, nơi chị và chồng con đã sống.

124 năm cây cao su, 92 năm truyền thống từ “Phú Riềng đỏ” cây cao su và các thế hệ người thợ đã đi qua chặng đường gian khổ, hy sinh để chiến đấu và chiến thắng. Trong 30 năm các vùng cao su và người thợ đã anh dũng xây dựng nên thiên anh hùng ca công nhân cao su trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc lâu dài và vô cùng ác liệt. Máu đào của các liệt sĩ đã nhuốm thêm màu đỏ của đất, làm cho xanh thắm những cánh rừng cao su bạt ngàn và dòng nhựa trắng bất tận.

Xin tri ân các anh hùng liệt sĩ, xin tri ân 81 bà mẹ Việt Nam anh hùng ngành cao su, xin tri ân những tấm gương sáng của các bà, các mẹ, các chị. Tên tuổi, chiến công của họ lịch sử đã khắc ghi, còn nhiều lắm những liệt sĩ và chiến công chưa được ghi tên vào sử vàng. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, sự đền đáp của thế hệ người thợ cao su hôm nay.

Ảnh: CTV

30/4/1975 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của đội ngũ công nhân cao su Việt Nam đã hoàn thành. Toàn bộ các đồn điền cao su từ Miền Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên đã hoàn toàn thuộc về công nhân. Gần một thế kỷ lao động làm thuê trong kiếp sống nô lệ, tủi nhục ở các đồn điền cao su một thời được gọi là “địa ngục trần gian”, đội ngũ công nhân cao su được sự lãnh đạo của Đảng đã liên tục đấu tranh kiên cường, chiến đấu góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Lịch sử đã sang trang. Đội ngũ công nhân cao su lại bước vào chặng đường mới: “Lao động với tinh thần làm chủ, có chất lượng và hiệu quả, từng bước khôi phục vườn cây, nhà máy, mở rộng diện tích cao su, từng bước nâng cao đời sống, sản xuất thật nhiều “vàng trắng” để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển”.

46 năm qua, năm lần mở đất phát triển ngành cao su đã trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững. Đó là công sức, trí tuệ, lòng yêu nước nồng nàn, phát huy và giữ gìn, phát triển các giá trị truyền thống của bao lớp người thợ. Họ là những tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua các cấp, là những bàn tay vàng, kiện tướng trong sự nghiệp “Cao su – Dòng chảy cuộc sống”.

Trong đó phụ nữ công nhân cao su tiếp tục viết nên những trang sử vàng: Năm 1985, ngành cao su có cá nhân Anh hùng Lao động đầu tiên, đó là bà Nguyễn Thị Ngời, công nhân Nông trường Cao su Hàng Gòn, Công ty Cao su Đồng Nai. Lúc đó bà đã 54 tuổi, được tuyên dương khi là một công nhân mẫu mực, cả một đời lao động hết mình cống hiến cho ngành.

Phạm Thị Liên, người công nhân khai thác có năng suất cao gấp ba lần công nhân khai thác được đồng chí Phạm Văn Đồng – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng khen là: Người công nhân cao su như Phạm Thị Liên là con người đẹp nhất”.

Chúng ta đang bước vào những ngày tháng 10, tháng kỷ niệm 92 năm truyền thống của ngành cao su, tháng của hoa hồng và phụ nữ nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nhắc lại những tấm gương sáng của phụ nữ ngành cao su để chúng ta tự hào về truyền thống ngành, thêm tự hào truyền thống của Phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ cao su nói riêng. Thế hệ phụ nữ công nhân cao su hôm nay đang nỗ lực phấn đấu xứng danh danh hiệu cao quý “Trung hậu – Đảm đang – Tài năng – Anh hùng”. Nhiều tấm gương sáng sẽ xuất hiện.

Xin chúc các chị, các em ngày càng vui tươi, xinh đẹp, trẻ khỏe, yêu đời. Hãy sống hết mình, cháy hết mình, biết yêu những gì mình đang có, khẳng định mình trong mọi hoàn cảnh, tâm hồn trong sáng, chân tình, vị tha, thủy chung, trí tuệ và yêu thương, nỗ lực phấn đấu “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” là tổ ấm, là chỗ dựa vững chắc trong mỗi gia đình và toàn xã hội.

LINH ĐAN