90 năm truyền thống trước cơ hội lịch sử

CSVN – Trong suốt chiều dài 122 năm từ khi cây cao su trồng đầu tiên tại Suối Dầu (Nha Trang) cho đến nay, người công nhân cao su, vườn cây cao su đã gắn bó với nhau, gắn với dòng chảy của dân tộc – đất nước. Thân phận những người phu là công tra cao su từ những năm đầu thế kỷ 20 cho đến nay là những lớp công nhân hậu duệ đang đứng trước cơ hội – thử thách lịch sử.
Sản xuất bóng tại Công ty CP Thể thao Ngôi sao Geru. Ảnh: Ngô Công Hoàng
Sản xuất bóng tại Công ty CP Thể thao Ngôi sao Geru. Ảnh: Ngô Công Hoàng
Dư địa cho sự tăng trưởng

Trước hết ta có thể nhận diện điều kiện – bối cảnh chung để có cái nhìn rõ hơn về xu hướng phát triển, hay là trông chờ tác động từ yếu tố ngoại sinh mà triệt tiêu tiềm năng nội sinh của một Tập đoàn đã được cổ phần hóa?

Phải nói sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường ngày nay không chỉ tác động ảnh hưởng trong một nước hay một châu lục mà nó tác động đến toàn cầu, do các lý do về tăng trưởng, về tranh chấp thương mại, về sự sụt giảm của phát triển công nghiệp của cả nước lớn, nên cao su thiên nhiên cung vượt cầu làm giá bán thấp là quy luật tất yếu, và tất yếu doanh thu giảm lợi nhuận thấp là không thể tránh khỏi.

Dù Tập đoàn cùng các công ty trong ngành đã xây dựng các kịch bản chủ động ứng phó với tình hình đó, nên dù còn nhiều khó khăn nhất là cao su các vùng phi truyền thống, các dự án đầu tư ở Lào – Campuchia vẫn cố gắng vận hành, sản lượng tăng năm sau cao hơn năm trước, tiết giảm chi phí hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng, thương hiệu bền vững, đẩy mạnh sản xuất ngành chế biến gỗ cao su và gỗ rừng trồng, phát huy mạnh các khu công nghiệp (KCN) từ đất cao su, chú ý tăng cường đầu tư sản xuất một số loại sản phẩm từ mủ cao su, tích cực tìm kiếm đối tác liên kết đầu tư các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhờ vậy, hiện nay Tập đoàn vẫn giữ trên 80.000 CNLĐ, với tổng diện tích trên 416.000 ha cao su trong và ngoài nước, trong đó cao su trong nước gần 292.000 ha. Đặc biệt, diện tích cao su của Tập đoàn tại khu vực miền Đông Nam bộ gồm các công ty đóng trên địa bàn các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước có đến 162.000 ha là một tiềm năng cực kỳ lợi thế của Tập đoàn.

Xét về mặt tỷ trọng so với cách đây 10 năm thì doanh thu từ xuất khẩu cao su sơ chế giảm dần so với doanh thu từ chế biến sâu cao su, gỗ và từ các KCN của Tập đoàn, vừa do giá cao su liên tục giảm vừa do doanh thu lợi nhuận 3 ngành trên ngày càng tăng, nhưng so với tiềm năng của một Tập đoàn lớn thì vẫn còn dư địa rất lớn cho sự tăng trưởng.

Trồng chuối cấy mô ứng dụng công nghệ cao tại Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Ngô Công Hoàng
Trồng chuối cấy mô ứng dụng công nghệ cao tại Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Ngô Công Hoàng
Những thời cơ lịch sử mới

Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Với quan điểm khuyến khích tạo điều kiện đầu tư lâu dài của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác cạnh tranh lành mạnh với các khu vực thành phần kinh tế trong nước đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư với Nhà nước, với NLĐ trong doanh nghiệp (DN).

Đồng thời nghị quyết còn nêu rõ các tiêu chí của các nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi sinh môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng, chấp hành luật pháp Nhà nước về tài chính – thuế lành mạnh – minh bạch, ưu tiên các công nghệ cao – sạch, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa nhất là nối chuỗi sản xuất cung ứng từ nguyên liệu trong nước đáp ứng toàn cầu. Với mục tiêu từ nay đến năm 2030 mỗi năm thu hút từ 20 – 40 tỉ USD, như vậy là cực kỳ lớn và ta có thể hiểu dòng vốn đầu tư đổ vào nước ta chính là công nghệ – thiết bị – kỹ thuật rất lớn đòi hỏi cần nhiều hơn nữa các KCN mọc lên để đáp ứng dòng vốn ấy. Trong đó, khu vực miền Đông Nam bộ với điều kiện hạ tầng thuận lợi trong tam giác tăng trưởng bậc nhất Việt Nam là một lợi thế cực lớn cho các công ty khu vực này.

Tất nhiên, để biến thách thức thành cơ hội lịch sử này chúng ta cũng cần thấy những yêu cầu cần và đủ đó là: Chất lượng nguồn nhân lực và thực lực của các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung vẫn còn chưa phát triển. Chúng ta không thể mãi vỗ ngực tự hào với giá nhân công rẻ, hoặc hài lòng với lắp ráp gia công mà quên đi sự phát triển chuỗi giá trị sản phẩm về những lợi ích tổng hợp mang tính chiến lược, cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Nắm bắt và phát huy cơ hội

Như vậy, sự chuyển động sau Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, thì cần nhất vẫn là một cơ chế chính sách mới thực sự cách mạng – minh bạch và nhanh nhất. Đặc biệt, cuộc thương chiến Mỹ – Trung đang ở giai đoạn gay cấn, hàng loạt các DN đang rút vốn, rút nhà máy khỏi Trung Quốc, họ sẽ đưa về các nước Đông Nam Á. Hiện Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đã có chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các DN này bằng ưu đãi về lãi suất, thuế, thời gian cấp phép đầu tư… Có nước quy định cấp giấy phép trong 3 ngày nếu số vốn từ 5 triệu USD, sử dụng công nghệ tiên tiến và có ít nhất 500 lao động tại chỗ.

Như vậy, VRG cũng rất cần một số chính sách mang tính đột phá cấp vĩ mô thì mới có thể nhanh chóng nắm bắt và phát huy cơ hội lịch sử mà hơn ai hết chúng ta có lợi thế rất rõ ràng.

Ta có thể nhận rõ hiện nay Tập đoàn có 13 KCN từ đất cao su, với tổng diện tích hơn 6.000 ha, đóng góp hơn phần ba doanh thu của Tập đoàn. Nếu chúng ta có vài chục ngàn ha chuyển thành KCN, khu nông nghiệp với ứng dụng công nghệ cao thì hiệu quả sử dụng đất, sản phẩm xã hội, thu nhập xã hội sẽ có quy mô vô cùng lớn.

Như vậy, ngoài việc tầm vĩ mô có cơ chế chính sách hợp lý, thông thoáng, nhưng cũng chặt chẽ thì việc Tập đoàn cùng các tỉnh sớm có quy hoạch đồng bộ để ta có lộ trình nhanh, thích hợp, sớm tận dụng thời cơ để phát triển. Mặt khác, từ Tập đoàn đến các công ty sớm hoạch định chiến lược nguồn nhân lực – tài lực để chuẩn bị cho “trận đánh lớn” này, nhất là về tư tưởng – nhận thức quyết liệt.

90 năm, các thế hệ trước đã tạo ra thương hiệu VRG có quy mô, xứng tầm với tên tuổi của một Tập đoàn, thì nay trên bề dày quy mô ấy thế hệ tiếp  theo sẽ phát huy cao độ tiềm năng, tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ nâng cao vị thế của Tập đoàn, là niềm mong ước của hàng vạn cán bộ CNVC – LĐ ngành cao su.

MINH ANH