90 năm vinh quang công nhân cao su Việt Nam

CSVN – Cách đây 122 năm, cây cao su được người Pháp đưa vào trồng thử nghiệm ở Việt Nam. “Nước Việt Nam xanh muôn vàn cây lá khác nhau, cây nào cũng đẹp,  cây nào cũng quý”. Cây cao su di nhập vào Việt Nam – loại cây rừng Amazôn, cây cho dòng nhựa trắng ngần, qua khai thác chế biến trở thành sản phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp.
Ông Phan Mạnh Hùng - Chủ tịch Công đoàn Cao su VN ôn lại truyền thống ngành cao su tại lễ kỷ niệm 89 năm truyền thống ngành
Ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn Cao su VN ôn lại truyền thống ngành cao su tại lễ kỷ niệm 89 năm truyền thống ngành

Thổ nhưỡng, khí hậu nhiệt đới Việt Nam thích hợp cho cao su phát triển xanh tốt và từ  đó các ông chủ người Pháp hình thành các đồn điền, tuyển mộ phu tứ xứ vào trồng, khai thác cao su. Họ là những nông dân bần cùng dưới chế độ thực dân phong kiến đang khai thác thuộc địa làm giàu cho chính quốc. Giai cấp công nhân (CN) hình thành – CN cao su bắt đầu từ đó, từ trong chốn “địa ngục trần gian”. Họ bị bọn chủ tư bản cấu kết với chính quyền thực dân phong kiến bóc lột đến tận xương tủy, bị hành hạ, đánh đập hết sức tàn nhẫn và độc ác. Tại đây họ đã phải:

“Bán thân đổi mấy đồng xu

Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng”

“Ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh”, chân lý ấy thể hiện rất rõ ở đội ngũ CN cao su Việt Nam. Nhưng thời kỳ đầu do chưa có sự giác ngộ đầy đủ về giai cấp và đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, nên sự phản ứng của họ thường mang tính đơn lẻ, tự phát. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê Nin thông qua sự truyền bá của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, người CN cao su đã nhận thức ra mối mâu thuẫn không khoan nhượng, không đội trời chung giữa họ với chủ nghĩa tư bản thực dân. Chính sự chuyển biến về chất của phong trào đấu tranh của CN đồn điền cao su mang tính tổ chức kỷ luật và tinh thần tập thể. Tình đoàn kết giai cấp trong đấu tranh được phát huy, tình yêu thương giai cấp và đùm bọc lẫn nhau được biểu lộ thắm thiết, tất cả những nhân tố nói trên đã làm cho phong trào đấu tranh của CN cao su đặc biệt là ở đồn điền Phú Riềng, trở thành mảnh đất ươm mầm hạt giống cộng sản. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, Chi bộ Đông dương Cộng sản Đảng do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư và 05 đồng chí khác được thành lập vào đêm 28/10/1929 tại đồn điền cao su Phú Riềng.

Sự lãnh đạo của chi bộ sau khi thành lập đã xác định 3 việc cần làm ngay: Một là chủ trương cải tổ và xây dựng nghiệp đoàn bí mật – Công hội đỏ – đông đảo và vững mạnh. Hai là đẩy mạnh công tác vận động và giáo dục, cách mạng thông qua tài liệu tuyên truyền tờ báo “Giải thoát”. Ba là tổ chức CN đấu tranh đòi các quyền lợi thiết thực như tăng lương, cải thiện tình hình ăn ở, điều kiện sinh hoạt văn hóa, tinh thần, chống cúp phạt, đánh đập.

Cần phải khẳng định rằng: Sự ra đời của nghiệp đoàn “Đỏ” Phú Riềng đánh dấu một bước tiến và sự trưởng thành quan trọng của phong trào CN cao su Việt Nam. Đây là tổ chức tiền thân của CĐ CSVN ngày nay, mặc dù qua các thời kỳ cách mạng khác nhau, mang các tên gọi khác nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày 3/2/1930 Đảng  Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng tạo ra bước ngoặt lớn trong phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam nói chung, phong trào đấu tranh của giai cấp CN Việt Nam trong đó có phong trào CN cao su Việt Nam nói riêng.

“Phú Riềng Đỏ” mở đầu cho cao trào đấu tranh cách mạng  của CN cao su do chi bộ Đông dương Cộng sản Đảng lãnh đạo diễn ra từ ngày 30/1/1930 đến ngày 6/2/1930. Toàn bộ diễn biến của cuộc đấu tranh bãi công được chi bộ chuẩn bị kỹ lưỡng: Nội dung đấu tranh; phương pháp đấu tranh; lực lượng đấu tranh; thời điểm đấu tranh; các yêu sách nêu ra. Sự sáng suốt bản lĩnh cách mạng, trong lãnh đạo và sức mạnh đoàn kết, ý chí và hành động của CN cao su đồn điền Phú Riềng đã giành được thắng lợi to lớn đã làm nên “Phú Riềng Đỏ” tạo tiếng vang trong cả nước, lung lay đến tận chính quốc. Từ “Phú Riềng Đỏ” thúc đẩy phong trào đấu tranh của CN trong các đồn điền cao su khác nhau ở miền Đông Nam Bộ; Dầu Tiếng (10/2/1930); CN các đồn điền cao su tổng biểu dương lực lượng ngày 1/5/1930. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, phong trào CN cao su đã có những bước tiến vững chắc – đấu tranh có tổ chức và vì quyền lợi của toàn giai cấp, toàn dân tộc. Họ đấu tranh với ý thức chính trị rõ ràng và tinh thần giác ngộ cao chống lại kẻ thù của giai cấp và của dân tộc.

Những cuộc đấu tranh liên tiếp nổ ra trong năm 1930 – 1931 cùng với cao trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh hết sức quyết liệt bất chấp khủng bố trắng của thực dân Pháp. Tiếp đến là phong trào đấu tranh giai đoạn 1936 – 1939, mặc dù khủng hoảng kinh tế song ở Việt Nam thực dân Pháp đã mở rộng diện tích cao su 90.300 ha với 902 đồn điền và 80.000 CN. Các cuộc đấu tranh cho các quyền dân sinh, dân chủ trong thời kỳ này tuy không giành được những kết quả lớn lao về mặt cải thiện đời sống cho CN cao su, nhưng vẫn có ý nghĩa và tác dụng quan trọng ở chỗ giúp anh chị em nâng cao giác ngộ giai cấp, tăng cường ý thức đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, bồi dưỡng tình cảm giai cấp, đoàn kết thương yêu và đùm bọc lẫn nhau.

Giai đoạn đấu tranh 1940 – 1945, phong trào đấu tranh của CN cao su chuyển lên một trình độ cao hơn, đội ngũ CN cao su đấu tranh liên tục bền bỉ. Từ “Phú Riềng Đỏ” trong suốt 15 năm ấy đã tôi luyện ý chí cách mạng, những tập dợt quan trọng để vùng lên trong những ngày tổng khởi nghĩa. CN cao su với khí thế cách mạng hừng hực đã nổi dậy làm chủ đồn điền, đồng thời cùng với nhân dân địa phương đánh đổ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Lực lượng CN cao su Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

Đất nước giành được độc lập, người thợ làm chủ vườn cây, nhà máy và dòng nhựa trắng chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. CN cao su Việt Nam lại cùng với toàn dân đứng lên kháng chiến. Phong trào đấu tranh của CN cao su là tiếp tục đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ và trường kỳ kháng chiến chống xâm lược. Họ đã làm nên “Cao su chiến”, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Liên đoàn cao su Nam Bộ. Những năm tháng ấy vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, không ngừng xây dựng phong trào, vừa đấu tranh với chủ đồn điền đòi các quyền dân sinh, dân chủ, vừa tham gia kháng chiến chống xâm lược, đội ngũ CN cao su Việt Nam ngày một trưởng thành. Hàng ngàn CN cao su đã ngã xuống, máu của những người thợ thấm đẫm những cánh rừng cao su. Chiến công của họ đã góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến trường kỳ, thắng lợi mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đất nước bị chia cắt. Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Phong trào đấu tranh của CN cao su đòi dân sinh, dân chủ, đòi thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ tiến lên Đồng khởi 1960. Tình cảnh của CN cao su không chỉ bị chủ tư bản bóc lột mà còn bị ngụy quyền kềm kẹp, giết hại, do đó người CN cao su nhận rõ bản chất xâm lược và phản động của Mỹ – Ngụy, hiểu được mục đích cao cả của kháng chiến, từ đó hăng hái tham gia kháng chiến. CN cao su luôn là lực lượng nòng cốt của cách mạng, cung cấp sức người, sức của góp phần đưa cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi hoàn toàn.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng cao su thực sự là “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, là địa bàn đứng chân của các lực lượng vũ trang cách mạng, là nơi cung cấp một phần hậu cần cho kháng chiến. Nhiều chiến dịch lớn được triển khai thắng lợi trên địa bàn cao su có sự phối hợp và hỗ trợ của CN cao su. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Công đoàn Cao su Nam Bộ, CN cao su Việt Nam cùng với đồng bào Nam Bộ, quân dân cả nước đã đập tan các cuộc chiến tranh của Mỹ – Ngụy. “Chiến tranh cục bộ”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Đại thắng Mùa xuân 1975 bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm kháng chiến đầy hy sinh gian khổ, giang sơn thu về một mối. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của đội ngũ CN cao su Việt Nam đã hoàn thành. Toàn bộ các đồn điền cao su từ miền Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên đã hoàn toàn thuộc về CN. Gần một thế kỷ lao động làm thuê trong kiếp sống nô lệ, tủi nhục, đội ngũ CN cao su dưới sự lãnh đạo của Đảng đã liên tục đấu tranh vươn lên làm chủ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đất nước thống nhất, vườn cao su, nhà máy đã về tay CN cao su. Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng trong hơn hai phần ba thế kỷ, đội ngũ CN cao su hăng hái cùng toàn dân hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nhiệm vụ chủ yếu là khôi phục và phát triển ngành cao su Việt Nam với chặng đường gian nan, thử thách với bao công sức, trí tuệ, mồ hôi, máu và nước mắt, cho khai hoang phục hóa, khôi phục và cải tạo vườn cây, nhà máy, cho dòng nhựa chảy và những sản phẩm đầu tiên xây đời. Trong cuộc chiến đấu ấy họ phải chịu với bao khó khăn chồng chất của thời kỳ sau chiến tranh: cơm không đủ ăn, phải ăn bo bo, củ mì; áo không đủ mặc; nhà cửa không đủ ở; những công trình phúc lợi như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, trạm xá đều chưa có; bệnh tật phát sinh, sốt rét nơi rừng thiêng nước độc; nguồn vốn, vật tư, máy móc thiếu thốn; trên vườn cây hằng ngày bom đạn còn sót lại đã nổ cướp đi hàng trăm CN trong khai hoang, khôi phục vườn cây.

Trong gian khó, mất mát hy sinh, với tinh thần làm chủ, CN cao su Việt Nam đã kiên cường chịu đựng, từng bước vượt qua khó khăn để tổ chức sản xuất, tổ chức đời sống. Sau 5 năm hầu hết các vườn cây cao su cũ đã được khôi phục và khai thác lại, nhiều nông trường, công ty đã được thành lập, khai hoang trồng mới thêm nhiều diện tích vườn cây. Có thể khẳng định những năm 1975-1980, CN cao su Việt Nam với ý thức của người làm chủ, với tinh thần cách mạng tiến công, với truyền thống hào hùng của dân tộc và giai cấp, họ đã quyết vươn lên, tự mình đạp bằng mọi gian lao thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Đây là thế hệ CN cao su thứ 3, nối tiếp và kế thừa truyền thống kiên cường, bất khuất của thế hệ cha, anh trước kia.

Bước sang thời kỳ 1981-1986 – thời kỳ trước  đổi mới. Ngành cao su đã tiên phong thực hiện chủ trương đẩy mạnh việc mở rộng diện tích cao su ra cả nước, trên cơ sở xác định ngành cao su là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đáp ứng được yêu cầu tăng nguồn xuất khẩu thu nhiều ngoại tệ, làm giàu cho đất nước. Đây là cuộc mở đất lần thứ nhất của ngành. Ở miền Đông Nam Bộ Dầu Tiếng, Phú Riềng, Bình Long, Phước Hòa thực hiện Hiệp định Hợp tác Việt – Xô; Việt – Bul, hàng chục ngàn ha cao su được trồng mới. Ở Tây Nguyên, miền Trung với chủ trương “gà mẹ đẻ gà con” hàng chục công ty, nông trường ra đời khai thác vùng đất giàu tiềm năng để mở rộng diện tích cao su. Khó khăn của thời “đêm trước đổi mới” – thời kỳ bao cấp, khó khăn nội tại của ngành đã không cản được phong trào của CN cao su. Họ đã vượt lên chính mình, khẳng định bản lĩnh từng bước đưa phong trào đi lên. Những cánh rừng cao su bạt ngàn từ miền Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên, miền Trung. Những cái tên: Ea H’Leo, Krông Buk, Chư Sê, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Kon Tum, Quảng Trị được khẳng định xứng danh anh hùng.

Giai đoạn đổi mới 1986-1990. Cùng với toàn dân, CN cao su Việt Nam bước vào sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Chuyển từ bao cấp sang hạch toán sản xuất kinh doanh, đổi mới cung cách quản lý, tổ chức nhiều hình thức khoán hiệu quả, thực hiện nhiều cơ chế cởi trói thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đời sống CN phát triển. Trong thời kỳ này, đội ngũ CN cao su đã có nhiều cống hiến to lớn trong việc trồng và thâm canh vườn cây, trong việc cải tiến kỹ thuật khai thác, chế biến, trong việc phát triển kinh tế gia đình. CN cao su tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua sản xuất, luyện tay nghề thi thợ giỏi, sản xuất nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, đời sống CN cao su từng bước được cải thiện. Đến cuối năm 1990, ngành cao su đã hình thành những vùng chuyên canh cao su lớn, đem lại nhiều nguồn lợi cho Tổ quốc.

Song song với đó CN cao su Việt Nam đã nâng cao ý thức bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, cảnh giác và chống lại các hiện tượng tiêu cực, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ sản xuất, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng bán vũ trang, xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, đặc biệt các đơn vị vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới làm tốt công tác quân sự động viên. Số thanh niên nhập ngũ trong CN luôn đạt yêu cầu và vượt chỉ tiêu. Toàn ngành đã xây dựng được 22 tiểu đoàn tự vệ với 16.896 chiến sĩ. Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng phát triển ngành, nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 9 đơn vị và 1 cá nhân; danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 12 đơn vị và 3 cá nhân; 36 Huân chương các hạng. Ngành cao su được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công hạng nhất. Những thành tích đó đã mang lại một giá trị tinh thần rất to lớn, là niềm tự hào, cổ vũ động viên đội ngũ CN cao su vững bước đi lên.

10 năm cuối của thế kỷ XX (1991-2000), ngành cao su đã bước vào nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đánh dấu một quá trình đổi mới, đồng thời đối mặt với những khó khăn, thách thức mới: năng suất vườn cây, năng suất lao động, cơ cấu chủng loại sản phẩm, thị trường kinh doanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh…và những tác động khó lường của nền kinh tế thế giới là những vấn đề hết sức gay gắt đi đôi với đó là đời sống CN, xây dựng củng cố đội ngũ. Thành tựu đạt được trong 10 năm ấy đã khẳng định một Tổng công ty cao  su quốc gia mạnh, có lực lượng lao động lên đến 80.000 người, sản xuất cao su đạt mức 290.000 tấn, khẳng định vị thế và tính hiệu quả của ngành kinh tế mũi nhọn “Vàng trắng”; khẳng định vị thế của đội ngũ CN cao su Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

CN cao su bước vào thế kỷ XX với một di sản truyền thống quý báu và với một tâm thế mới. Chặng đường đã qua vô vàn chông gai thử thách, chặng đường đi tới đã đối mặt câu trả lời: tồn tại hay không tồn tại, phát triển và hội nhập trong bối cảnh đất nước trên đà thắng lợi của đổi mới, trong diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới. Phát huy truyền thống “Phú Riềng Đỏ” anh hùng, ý chí cách mạng tiến công. Đội ngũ CN cao su Việt Nam đã dũng cảm đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu ngành, mở rộng sản xuất kinh doanh với mục tiêu “CN giàu – Tập đoàn mạnh” đưa ngành cao  su phát triển bền vững phù hợp với quy luật khách quan và xu thế hội nhập quốc tế.

Đây là giai đoạn thị trường giá cả cao su biến động khôn lường: lúc cao chót vót, lúc xuống đáy sâu. Cuộc sống của CN cao su niềm vui chưa trọn vẹn phải thắt lưng buộc bụng, chung lưng đấu cật để doanh nghiệp tồn tại, để cho sản xuất kinh doanh ổn định, chống chọi thị trường để đi tới. Đây là thời kỳ mở đất lần thứ 2, thứ 3 ở các tỉnh Trung bộ, Tây Bắc sang hai nuớc bạn Lào và Campuchia, đưa diện tích cao su phát triển lớn nhất 407.000 ha cao su trong và ngoài nước, hơn 80.000 lao động, sản lượng hàng năm hàng trăm ngàn tấn mủ, doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng đang phát triển bền vững, là một trong những Tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước. Những cống hiến đặc biệt của CN cao su Việt Nam trong chặng đường 90 năm qua đã được Đảng, Nhà nước vinh danh Huân chương Sao Vàng. Xin tri ân các thế hệ CN cao su Việt Nam anh hùng.

Từ “Công hội đỏ” đến CĐ CSVN, trong dòng chảy cách mạng của CN cao su Việt Nam, tổ chức Công đoàn đã xuất sắc vai trò sứ mệnh lịch sử của mình, luôn là tổ chức chính trị – xã hội vì CN cao su ra đời, trưởng thành, lớn mạnh trong phong trào cách mạng của CN. Tập hợp, đoàn kết CN đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nơi nào CN khó, nơi đó có Công đoàn. CĐ CSVN trong suốt chặng đường lịch sử đã thực sự là tổ ấm của CN, luôn đồng hành vào cuộc, chiến đấu và chiến thắng. Là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc của CN cao su. Luôn sáng tạo đổi mới trong hoạt động vì lợi ích CN lao động, vì sự phát triển của doanh nghiệp. Tất cả cho mục tiêu “CN giàu – Tập đoàn mạnh”. Nhiệm vụ trong chặng đường phát triển mới của CĐ CSVN, tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, hào hùng của CN cao su Việt Nam. Tinh thần “Phú Riềng Đỏ” mãi mãi tỏa sáng, là ngọn đuốc thiêng tạo nên cốt cách của người cao su. Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CN cao su: cách mạng, kiên cường, bản lĩnh, sáng tạo, nghĩa tình, thủy chung. Có tri thức, ý thức tổ chức kỷ luật, có tay nghề cao. Tăng cường giáo dục truyền thống, vận động tuyên truyền, thuyết phục. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước,  tổ chức sản xuất kinh doanh, tổ chức đời sống vật chất tinh thần và an sinh xã hội tốt nhất, tham gia, hiến kế quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ, quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, cán bộ CĐ đủ tầm, giàu tâm huyết, sáng tạo vì người lao động.

Năm tháng đã đi qua, CN cao su Việt Nam các thế hệ đã làm nên pho sử bằng vàng chói lọi, tạo những giá trị bền vững và cốt lõi. Cha truyền con nối, thế hệ nối tiếp thế hệ: “Cao su – Dòng chảy cuộc sống” tiếp tục chảy trong dòng chảy đất nước, dân tộc – “Dân giàu nước mạnh”. Sự nghiệp vẻ vang ấy thế hệ hiện nay tiếp tục gánh vác. Hành trang mang theo là truyền thống, là niềm tin và khát vọng. Tập đoàn CN CSVN là tập đoàn kinh tế mạnh xuyên quốc gia, tập trung khai thác mọi tiềm năng để phát triển bền vững. Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp tiên tiến, tạo bứt phá mạnh mẽ doanh thu gấp 5, 10 lần trong thời gian sớm nhất. CN cao su phải giàu lên trong cơ nghiệp của mình, các giá trị truyền thống được lưu truyền và viết tiếp vẻ vang. Vinh quang thuộc về CN cao su Việt Nam anh hùng.

PHAN MẠNH HÙNG 

Chủ tịch Công đoàn cao su VN