Sản xuất SVR 10, 20 theo công nghệ mới nhằm giảm suất đầu tư

CSVN – Thực hiện chủ trương tiết giảm  suất  đầu tư, từ năm 2015 Ban Công nghiệp và Ban XDCB Tập đoàn đã nghiên cứu thành công và tham mưu lãnh đạo ban hành TCCS 113 – chế biến SVR 10, SVR 20 theo quy trình rút gọn. Quy trình được triển khai ứng dụng chế biến mủ SVR  10 chất lượng cao, góp phần xây dựng thương hiệu cao su VRG.
Sản xuất mủ tại Nhà máy chế biến Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom. Ảnh: P.Long.
Sản xuất mủ tại Nhà máy chế biến Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom. Ảnh: P.Long.
Sẽ tiết giảm kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng

Trong các năm 2017 – 2018, đã có 6 công ty thuộc Tập đoàn xây dựng nhà máy chế biến mới áp dụng dây chuyền chế biến theo quy trình SVR 10, SVR 20 rút gọn với tổng công suất 64.000 tấn/năm, tương ứng tổng suất đầu tư trên 604 tỷ đồng, suất đầu tư bình quân hơn 9,4 triệu đồng/tấn sản phẩm.

So với suất đầu tư trước đây bình quân trên 15 triệu đồng/tấn sản phẩm, nhà máy mới được xây dựng có suất đầu tư bình quân dưới 10 triệu đồng/ tấn, hiệu quả tiết giảm suất đầu tư hơn 5 triệu đồng/ tấn sản phẩm.

Như vậy với 6 nhà máy chế biến mới xây dựng trong năm 2017 – 2018 có tổng công suất 64.000 tấn. Tổng kinh phí đầu tư thực tế khoảng 604 tỷ, tổng số tiền tiết giảm là 320 tỷ đồng.

Định hướng đến năm 2030 sẽ có 13 công ty có dây chuyền chế biến theo quy trình SVR 10, 20 rút gọn với tổng công suất 213.500 tấn/năm (theo Quyết định số 345/QĐ-HĐQTCSVN ngày 12/9/2018 về việc ban hành Quy hoạch Nhà máy chế biến mủ cao su của Tập đoàn giai đoạn 2018 – 2030). Với việc áp dụng quy trình này sẽ tiết giảm kinh phí đầu tư là: 1.067,5 tỷ đồng.

Tăng sức cạnh tranh của sản phẩm

Với việc triển khai áp dụng quy trình mới cho công tác chế biến sản phẩm SVR 10, 20 giúp tiết kiệm nhiên liệu điện, nước và không sử dụng hóa chất, hướng tới sản xuất sạch hơn. Cụ thể, dầu DO tiết kiệm được 4 lít/tấn sản phẩm. Trước khi áp dụng, thì dầu DO tốn từ 32 – 36 lít/tấn sản phẩm, sau khi áp dụng quy trình rút gọn, tốn từ 28 – 32 lít/tấn sản phẩm. Tương tự, tiết kiệm khí LPG 2 kg/tấn sản phẩm, điện 60 kWh/tấn sản phẩm, nước 4 m³/tấn sản phẩm.

Về chất lượng sản phẩm, có sự cải thiện rõ rệt như các chỉ tiêu Po, PRI, độ nhớt Mooney tăng từ 3 đến 5 đơn vị, chất lượng ổn định và có thể chủ động kiểm soát các thông số theo yêu cầu khách hàng.

Với chủ trương xây dựng các nhà máy chế biến mới chủ yếu là sản phẩm SVR 10 góp phần chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm SVR 10, 20 từ 20% lên 27% năm 2018; giảm SVR 3L từ 39% xuống 30% để đáp ứng theo nhu cầu   thị trường. Định hướng đến năm 2030, sản phẩm SVR10, 20 chiếm tỷ lệ trên 40% cơ cấu sản phẩm của Tập đoàn. Về môi trường, sản phẩm SVR 10 không sử dụng hóa chất đánh đông như acid acetic nên nồng độ ô nhiễm giảm đáng kể, giảm từ 20 – 30% lưu lượng nước thải, giảm 20% chi phí xử lý, mùi hôi ít.

Với nguồn gốc nguyên liệu trước khi chế biến không sử dụng hóa chất (sản phẩm sạch) và có thời gian ủ mủ trước khi chế biến làm tăng các chỉ số Po, PRI và Mooney, nên SVR10 của VRG được khách hàng đánh giá cao, các sản phẩm sản xuất đều được khách hàng tiêu thụ chấp nhận và làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thị trường xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2018 cho thấy chủng loại SVR 10 chiếm thị phần cao hơn SVR 3L, đạt 181.385 tấn, tương đương 13% trong tổng lượng cao su xuất khẩu và tăng 65,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi SVR 3L chỉ chiếm 12% và tăng 12,6%.

Hiện nay, ngoài việc áp dụng quy trình chế biến SVR 10, SVR 20 rút gọn cho các nhà máy mới thành lập, nhiều đơn vị đã triển khai áp dụng quy trình này để cải tạo nâng cấp nhà máy như Công ty Tây Ninh, Sa Thầy, Thanh Hóa, Tân Biên – Kampong Thom … Có 90% sản phẩm của các đơn vị sản xuất SVR 10 theo quy trình rút gọn đạt TCCS 112 và đạt yêu cầu các chỉ tiêu Po, PRI, Mooney, độ đồng đều các chỉ tiêu và tính ổn định cao đáp ứng yêu cầu chất lượng của khách hàng sản xuất săm lốp.

P.V