CSVN – Cuối năm 2018, đầu năm 2019 thời tiết thuận lợi nên vườn cây ra lá sớm, ổn định nên năm nay bước vào mùa cạo sớm. Việc đưa vào khai thác diện tích lớn, chất lượng mủ tốt tiếp tục tạo niềm tin cho người dân tỉnh Sơn La nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung trong chương trình phát triển cao su của Tập đoàn.
Hơn 3.448 ha đưa vào kinh doanh
Nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất để đưa vườn cây vào khai thác, trung tuần tháng 3/2019, Công ty CPCS Sơn La đã tổ chức khai giảng lớp tập huấn thu hoạch mủ năm 2019 cho các học viên là công nhân (CN) trực thuộc công ty.
Năm 2019, công ty dự kiến đào tạo cho 254 CN, công tác tập huấn được chia thành nhiều đợt, trong đó đợt 1 có 120 học viên tham gia. Để thuận lợi cho học viên tham dự lớp tập huấn, công ty đã tổ chức lớp học theo quy mô vùng địa lý để học viên khi tham dự lớp học vẫn đảm bảo được các công việc gia đình.
Với đội ngũ giảng viên là lãnh đạo và cán bộ Phòng Quản lý kỹ thuật, nhất là có sự tham gia trợ giảng của những CN có tay nghề cao, giúp học viên dễ dàng nắm bắt nhanh quy trình kỹ thuật. “Do hầu hết các học viên là người đồng bào dân tộc, nên việc bố trí trợ giảng là CN bản địa, đảm bảo việc truyền đạt kiến thức cũng như tay nghề cho đội ngũ CN mới học cạo. CN sẽ không phải gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng do bất đồng ngôn ngữ”, một cán bộ kỹ thuật cho biết.
Diện tích cao su mở cạo của công ty đến hết năm 2018 là trên 2.292 ha, đến nay phát triển tốt đạt yêu cầu kỹ thuật của Tập đoàn, trong đó năm 2016 là 146,42 ha, năm 2017 là 767,6 ha, năm 2018 là 1.378,21 ha. Diện tích dự kiến đưa vào mở cạo năm 2019 là 1.156,47 ha, nâng tổng diện tích mở cạo lên 3.448,69 ha. Sản lượng và chất lượng mủ được đánh giá cao, có chất lượng tốt, một số chỉ tiêu về chất lượng còn cao hơn so với các vùng cao su nơi khác.
Việc đưa vào khai thác với diện tích lớn, chất lượng mủ tốt tiếp tục tạo niềm tin cho chính quyền địa phương và nhân dân của tỉnh Sơn La nói riêng và vùng núi Tây Bắc nói chung trong chương trình phát triển cao su của Đảng, nhà nước, đồng thời đã tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho công nhân. Cuối năm 2018 và đầu năm 2019 thời tiết thuận lợi nên vườn cây ra lá sớm, ổn định vì vậy vườn cây năm nay dự kiến sẽ cạo sớm.
Với tinh thần phấn chấn, vui tươi cùng với nỗ lực rèn luyện tay nghề, quyết tâm cao của các học viên, năm 2019 hứa hẹn sẽ là một năm quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đề ra của công ty.
Tích cực chăm lo đời sống, việc làm cho NLĐ
Vào mùa này, những đồi cao su của NT Châu Quỳnh, trải dài từ Chiềng Ngàm, Chiềng La (Thuận Châu) đến Chiềng Khoang, Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai), đua nhau đâm chồi, nảy lộc, khoác lên mình màu xanh tươi mới sau mùa rụng lá. Còn CN, hộ dân góp đất trồng cao su cũng tràn đầy niềm vui, hy vọng chuẩn bị bước vào vụ khai thác mủ.
Là đơn vị trực thuộc Công ty CPCS Sơn La, NT Châu Quỳnh được thành lập tháng 9/2017, trên cơ sở sáp nhập các Đội cao su Mường Sại, Liệp Muội và Pú Bâu. Nông trường hiện quản lý 1.110 ha cao su, trên địa bàn 34 bản, của các xã Chiềng Bằng, Chiềng Khoang, Nậm Ét (Quỳnh Nhai), Chiềng La, Chiềng Ngàm (Thuận Châu), với 1.658 hộ dân góp đất trồng cây cao su.
Đội ngũ CNLĐ hiện có 597 người, hầu hết là đồng bào địa phương. Trong số này, có 25 cán bộ quản lý, 466 CN, còn lại là lao động phổ thông, chia thành 10 tổ sản xuất. Năm 2018, nông trường đã đưa vào khai thác gần 760 ha cây cao su, thu hoạch 1.350 tấn mủ.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Lò Thị Nết – Giám đốc nông trường cho hay, khi cây cao su bắt đầu cho thu hoạch và Nhà máy cao su 28/10 đi vào hoạt động, anh chị em CN có việc làm, thu nhập khá ổn định. Để đảm bảo cuộc sống của CN và các hộ dân góp đất trồng cao su, đơn vị cho 153 hộ CN vay 826 triệu đồng vốn không lãi suất để mua bò nuôi, phối hợp với các xã, ban quản lý các bản tạo điều kiện cho CN và bà con trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như ngô, sắn, chuối, cỏ voi… trong vườn cây KTCB, để các hộ gia đình CN có thêm nguồn thu nhập. Được biết, nông trường còn chi hàng trăm triệu đồng tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình CN có người ốm đau, hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân, cấp phát thuốc miễn phí, thăm và tặng quà gia đình chính sách, CNLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ Tết, tạo điều kiện cho CB.CNLĐ đi tham quan, du lịch…
Ngoài ra, nông trường còn được công ty hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà mẫu giáo, với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất và hỗ trợ tiền ăn. Toàn nông trường hiện có 109 cháu là con em của CN, hộ gia đình góp đất trồng cao su, học tại 3 điểm trường mẫu giáo tại Mường Sại, Liệp Muội, Pú Bâu. Anh Lù Văn Khởi, bản Phòng Không, xã Chiềng Bằng phấn khởi: “Khi cao su chưa được khai thác mủ, chúng tôi phải đi làm thêm nhiều việc khác để có thu nhập. Năm 2009, được nông trường cho vay 5,4 triệu đồng không tính lãi để mua bò nuôi nhốt chuồng, hiện tại nhà tôi đã có 4 con bò. Bây giờ, cao su đã cho khai thác mủ, việc làm của nhà tôi ổn định hơn, cuối năm lại được chia tiền từ góp cổ phần 8.000 m² đất trồng cao su. So với làm nương thì kinh tế gia đình tôi bây giờ ổn định hơn nhiều. Các cháu nhỏ nhà tôi được đi học tại điểm trường mầm non Mường Sại, lại được hỗ trợ tiền ăn hằng ngày”.
Dù còn không ít khó khăn, nhưng NT Châu Quỳnh đã và đang quan tâm tạo mọi điều kiện, chăm lo đến đời sống, việc làm cho anh chị em CN. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp nông trường quản lý, bảo vệ tốt diện tích cây cao su, giúp NLĐ yên tâm sản xuất.
BÍCH THUẬN – NGỌC THUẤN
Related posts:
- Dây chuyền 2 MDF VRG Quảng Trị: Công trình chào mừng 2 Đại hội Đảng
- VRG dời trụ sở làm việc
- 10 sự kiện nổi bật ngành cao su VN năm 2016
- Cao su Lai Châu phấn đấu sản lượng đạt 7.000 tấn mủ
- Thủy điện VRG Bảo Lộc thu nhập bình quân 18 triệu đồng/người/tháng
- Nông trường Xa Mát đạt giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Tân Biên
- Biểu dương các đơn vị Tây Nguyên hoàn thành sản lượng với tỷ lệ cao
- Cao su Dầu Tiếng - Quân đoàn 4 thắt chặt tình kết nghĩa
- Cao su Đồng Nai: Công tác giống được ưu tiên hàng đầu
- Chi bộ Geru Star quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ nhiệm kỳ mới