Sổ tay Hướng dẫn quản lý rừng cao su bền vững

CSVN – Vừa qua, Sổ tay “Hướng dẫn quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn chứng chỉ rừng quốc tế” đã được phát hành. Đây là kết quả của chương trình hợp tác giữa Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và VRG sau hơn 2 năm chuẩn bị. Tạp chí Cao su VN  trích đăng những nội dung chính Sổ tay để bạn đọc tiện theo dõi.
Vận chuyển cây giống chuẩn bị trồng tái canh tại TCT Cao su Đồng Nai. Ảnh: Tùng Châu
Vận chuyển cây giống chuẩn bị trồng tái canh tại TCT Cao su Đồng Nai. Ảnh: Tùng Châu

PHẦN 1: QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG

Quản lý rừng bền vững là gì?

Khái niệm Quản lý rừng bền vững (QLRBV) được phát triển dựa trên khái niệm phát triển bền vững. QLRBV là quản lý rừng để đồng thời đạt được cả 3 mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường cho thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai. Việt Nam định nghĩa QLRBV như sau: “QLRBV là phương thức quản trị rừng bảo đảm đạt được các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh”.

Như vậy, QLRBV là việc đóng góp của nghề rừng đến sự phát triển của quốc gia. Sự phát triển đó phải mang lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội, đồng thời, có thể cân bằng giữa nhu cầu hiện tại và tương lai.

Tại sao cần quản lý rừng bền vững?

·        Giảm thiểu các rủi ro về môi trường và xã hội: nâng cao nhận thức của công chúng về các tác động của nghề rừng. Duy trì những giá trị của rừng (sinh kế, môi trường, văn hóa, …) cho người dân địa phương.

·        Đóng góp một phần vào sự phát triển: chẳng hạn tại một số vùng nông thôn thì nghề rừng có thể là lựa chọn phát triển và giúp xóa đói giảm nghèo phù hợp nhất.

·        Mô hình kinh doanh mới: Thị trường đòi hỏi các sản phẩm từ rừng phải là sản phẩm xanh. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội và môi trường.

·         Thách thức tương lai của nghề rừng: Quản lý rừng không chỉ đơn thuần là sản xuất gỗ mà còn để thu được các dịch vụ dựa vào rừng, trong đó có dịch vụ môi trường. Giảm thiểu mất rừng ở các nước nhiệt đới.

Trên thực tế, cộng đồng quốc tế, các tổ chức môi trường, xã hội, chính phủ các nước tiến bộ… đòi hỏi các nhà quản lý rừng phải chứng minh rằng rừng của họ đã được quản lý bền vững. Người tiêu dùng sản phẩm từ rừng đòi hỏi các sản phẩm lưu thông trên thị trường phải là các sản phẩm khai thác từ rừng được quản lý có trách nhiệm về môi trường và xã hội. Người sản xuất muốn chứng minh rằng các sản phẩm rừng (gỗ và lâm sản ngoài gỗ) được khai thác từ rừng đã được quản lý một cách bền vững.

Tại sao cần quản lý rừng cao su bền vững?

Kể từ sau tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất của Liên Hiệp Quốc tại Rio de Janeiro tháng 6/1992, phát triển bền vững đã trở thành một trong những chiến lược được thế giới quan tâm nhiều nhất. Trên thực tế, sự quan tâm này được thể hiện thành những yêu cầu cụ thể của người tiêu dùng trên thị trường cũng như các tiêu chí lựa chọn cơ hội, lĩnh vực đầu tư của các nhà đầu tư, đặc biệt là thị trường tiêu dùng quốc tế và đầu tư quốc tế.

Trồng tái canh tại Nông trường Thanh An, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Phan Thắng
Trồng tái canh tại Nông trường Thanh An, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Ảnh: Phan Thắng

Các yêu cầu của thị trường và đầu tư đòi hỏi việc sản xuất cao su phải được phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. Gần đây, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã công bố chính sách phát triển ngành cao su bền vững và cam kết tiêu thụ, mua bán, cung cấp nguyên liệu cao su thiên nhiên, gỗ cao su được quản lý bền vững và có chứng nhận.

Đây là xu thế tất yếu của ngành cao su đang hòa nhập theo thị trường thế giới. Ngành Cao su Việt Nam với diện tích 971.600 ha và sản lượng mủ 1,087 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên trên 2,25 tỷ USD và gỗ cao su từ diện tích tái canh trên 1,9 tỷ USD đã gia nhập rất sâu và thị trường quốc tế, nên dù muốn hay không phải điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của thế giới.

Nói một cách khác, chỉ khi rừng cao su của Việt Nam được quản lý bền vững về kinh tế, môi trường, xã hội thì ngành cao su mới có thể duy trì và phát triển được thị phần về mủ và gỗ cao su trên thị trường quốc tế; huy động thêm vốn đầu tư; duy trì và phát triển đầu tư ra nước ngoài; duy trì và cải thiện điều kiện sống cho hơn 400.000 lao động trồng cao su và hơn 100.000 lao động trong công nghiệp chế biến cùng với một số dịch vụ liên quan.

Mặt khác, hiện nay, nhu cầu của thị trường về gỗ cao su có Chứng chỉ rừng quốc tế rất lớn, tạo cơ hội tăng thêm thu nhập cho chủ rừng cao su nhờ giá bán gỗ cao su có chứng chỉ cao hơn gỗ cao su không có chứng chỉ.

Đối tượng áp dụng

Hướng dẫn này được thiết kế dành cho các chủ rừng cao su ở Việt Nam mong muốn xây dựng hệ thống quản lý rừng cao su theo hướng bền vững để được cấp chứng chỉ rừng quốc tế. Hướng dẫn này đưa ra các yêu cầu mà chủ rừng cao su cần thực hiện để làm cho hệ thống quản lý rừng của mình đáp ứng các yêu cầu được cấp chứng chỉ rừng quốc tế.

Các chủ rừng cao su có thể sử dụng tài liệu này để tự đánh giá tiềm năng, nhận thức, những yêu cầu của các bộ tiêu chuẩn Chứng chỉ rừng bền vững để phấn đấu trở thành chủ rừng cao su phát triển bền vững và được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và tư vấn Chứng chỉ rừng cũng có thể tham khảo hướng dẫn này để giúp chủ rừng cao su đạt được mục tiêu quản lý rừng cao su bền vững.

Tại sao cần hướng dẫn này?

Nhận thức về phát triển bền vững, QLRBV và Chứng chỉ rừng của các chủ rừng cao su ở Việt Nam cần được nâng cao. Nhiều chủ rừng cao su muốn rừng của mình được cấp chứng chỉ nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào để đạt được Chứng chỉ rừng. Tiêu chuẩn Chứng chỉ rừng của Quốc tế có yêu cầu cao, cùng nhiều thuật ngữ mới (đối với người Việt Nam), nên việc hiểu và diễn giải để áp dụng ở điều kiện Việt Nam là cần thiết. Cho đến nay, chưa có hướng dẫn cụ thể nào về quản lý rừng Cao su ở Việt Nam giúp chủ rừng cao su thực hiện QLRBV theo tiêu chuẩn Chứng chỉ rừng quốc tế.

 Phạm vi áp dụng của hướng dẫn này như thế nào?

Hướng dẫn này được xây dựng dành cho chủ rừng quản lý rừng cao su, thiết kế theo yêu cầu tiêu chuẩn Chứng chỉ rừng Quốc tế và phù hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001.

      CSVN

(Xem tiếp kỳ sau)