Người Quảng Trị trên đất Xà Bang

CSVN Xuân – Sau năm 1975, một bộ phận người dân Quảng Trị rời quê hương vào miền Nam, tìm kế sinh nhai. Ở Bà Rịa Vũng Tàu, nơi có người dân Quảng Trị tập trung đông đúc nhất là Xà Bang, Quảng Thành và Cù Bị thuộc huyện Châu Đức đã để lại dấu ấn với cây cao su nơi đây.
Ảnh: Tùng Châu
Ảnh: Tùng Châu

Trước năm 1975, Xà Bang là một phân sở trực thuộc đồn điền cao su Bình Ba của người Pháp, diện tích cao su chừng 300 ha. Có một số người dân Quảng Trị được chủ đồn điền ra tận quê tuyển mộ vào làm phu công tra. Trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt 1972 – 1975 Xà Bang trở thành “vùng trắng”, dân cư tứ tán. Sau khi nhà nước tiếp thu cho phục hồi sản xuất, có 20 gia đình bám trụ ở căn cứ Bàu Lâm trở về và các nơi lân cận đến như Bình Ba, Cẩm Mỹ. Trong số đó có một gia đình người Quảng Trị duy nhất là gia đình ông Bảy Định, tức Trần Văn Định gốc Gio Linh.

Tháng 3/1977 Nông trường Cao su Xà Bang được thành lập. Lao động tại chỗ không có, nông trường tiếp nhận từ khắp nơi, trong đó đa số là người Quảng Trị. Đầu tiên là 21 gia đình thuộc xã Hải Quế đi có tổ chức được chính quyền địa phương cấp phép, do ông  Trần Bửu làm trưởng đoàn.Thuở ban đầu gian khổ, khó khăn còn hơn ở quê nhà, nhưng ai cũng chung ý nguyện là đã cất bước ra đi thì phải ra sức tới cùng .

Thời điểm mà người Quảng Trị đến Xà Bang đông nhất là các năm 1977 – 1980, dân nhiều nhất là các làng Đơn Quế, Cổ Lũy, Hội Yên thuộc Hải Lăng và Lệ Xuyên, Triệu Phong. Các làng trên nay đã xây dựng nhà thờ làng để phụng thờ các vị khai canh khai khẩn ở quê nhà, nói lên được tinh thần ly hương không ly tổ, uống nước nhớ nguồn.

Thời đó, muốn được thu tuyển làm công nhân mọi người phải trải qua giai đoạn hợp đồng khai hoang, mỗi gia đình nhận ít nhất 1 ha đất rừng để khai hoang với số tiền được nhận là 200 đồng/ha. Đa số người không quen công việc phá rừng đốt rẫy, trồng và chăm sóc cao su nhưng vốn là người dân Quảng Trị chuyên cần chịu khó, vừa học vừa làm đã vượt qua cái khó khăn ban đầu trở nên thành thạo.

Nhà nào cũng thiếu ăn, không có cách làm ra đồng tiền, không chỗ cần thuê mướn, đành thắt lưng buộc bụng, bữa đói bữa no, rau lá rừng độn cơm…để quyết hoàn thành công đoạn khai hoang rừng chờ ngày được tuyển dụng vào làm công nhân.

Xà Bang vinh dự được cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm 2 lần trong năm 1982, có một lần ông và phái đoàn đi thăm một số gia đình công nhân, trong đó có gia đình tôi. Biết tôi là người Quảng Trị ông tỏ ý vui mừng, động viên gia đình phấn đấu xây dựng nông trường và ra sức làm kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái trở thành người hữu ích, sau đó ông gọi vợ và con tôi cùng ông chụp chung tấm hình lưu niệm.

Trước lúc chia tay ông nhắn nhủ với mọi người: Hãy xây dựng Xà Bang thành nông trường cao su kiểu mẫu, gia đình công nhân có đời sống ấm no hạnh phúc, văn minh và tiến bộ. Làm theo lời Tổng Bí thư, Xà Bang đã phấn đấu vươn lên đạt danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985, với ba phần tư CBCNV là người Quảng Trị.

40 năm nhìn lại, gian khó quá nhiều vinh quang cũng lắm, người dân Quảng Trị trên đất Xà Bang đã gắn bó với miền đất mới, chọn nơi đây làm  quê hương thứ hai của mình, lòng vẫn canh cánh nhớ về quê hương cội nguồn. Sống giữa miền Nam, đất khách quê người, mà như đang sống giữa quê hương mình. Những đứa trẻ sinh ra ở nơi đây đều nói rặt tiếng quê.

 Nguyễn Thanh Bá