Từng bước nâng cao chất lượng mủ nguyên liệu

CSVN – Từ đầu năm 2017 đến nay tất cả các công ty cao su thuộc VRG trên địa bàn Tây Nguyên đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và khối lượng mủ nguyên liệu tại vườn cây.

>> Các đơn vị Tây nguyên: Chất lượng mủ nguyên liệu nâng cao

Sản phẩm mủ RSS được gia tăng sản xuất trong giai đoạn 2017 – 2020
Sản phẩm mủ RSS được gia tăng sản xuất trong giai đoạn 2017 – 2020
Chất lượng mủ nguyên liệu ngày càng được cải thiện

Vấn đề mủ nguyên liệu đầu vào của các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên trong những năm qua là đáng ngại đối  với các nhà tiêu thụ cao su thiên nhiên khi đến tìm hiểu thị trường nơi đây. Tuy nhiên, tình trạng này đã được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2017 đến nay tất cả các công ty trên địa bàn đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và khối lượng mủ nguyên liệu tại vườn cây.

Các đơn vị đã tổ chức tốt công tác quản lý và chú trọng chất lượng mủ nguyên liệu, quản lý tốt công tác vệ sinh dụng cụ thu hoạch mủ theo TCCS 111:2016 của VRG. Chính điều này đã làm chất lượng mủ nguyên liệu tiếp nhận tại nhà máy được nâng cao rõ rệt, mủ tạp đầu vào được vệ sinh sạch tại vườn cây. Trong bảng đánh giá xếp loại theo thang điểm 10 thì công tác thu hoạch mủ ngoài vườn cây của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh đạt số điểm cao nhất với 9 điểm; Công ty Chư Prông và Kon Tum cùng đạt 8 điểm; ba công ty đạt 7 điểm là Ea H’leo, Mang Yang và Krông Buk; Công ty Chư Sê đạt 6 điểm.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, đánh giá công nghệ chế biến, chất lượng và môi trường khu vực Tây Nguyên, ngày 3/10, TGĐ Cao su Chư Păh, ông Phạm Đình Luyến cho biết: “Sau khi có chỉ đạo của Ban Công nghiệp và lãnh đạo VRG, chúng tôi đã nghiêm túc khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác thu gom mủ sạch. Đồng thời, trong công tác chế biến chúng tôi đã đầu tư những cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nhà máy chế biến nhằm đáp ứng yêu cầu của đoàn kiểm tra”.

Tuy nhiên, theo đại diện Ban Công nghiệp VRG, qua nghiệm thu sản lượng mủ nguyên liệu tại nhà máy thì vẫn còn công ty không tuân thủ quy định của Tập đoàn về bảng quy đổi TSC – DRC. Một số công ty không nghiệm thu theo cân trọng lượng và quy định tỷ trọng không thống nhất. Một số đơn vị quản lý số lượng nguyên liệu mủ từ khâu nhận đến khâu chế biến, nhập kho chưa thống nhất và xuyên suốt. Công tác ghi chép sổ lò chưa nghiêm túc, chưa kiểm soát khối lượng mủ trong lò của ngày trước để tính sản lượng chế biến trong ngày.

Khu vực Tây Nguyên hiện có 8 công ty cao su trực thuộc VRG với 11 nhà máy chế biến, tổng công suất 80.000 tấn/năm, trong năm 2016 các đơn vị này đã chế biến trên 53.000 tấn và chỉ phát huy được 66% công suất. Cơ cấu sản phẩm đa dạng bao gồm SVR 3L, 5L chiếm tỷ trọng lớn với 49%, SVR 10 – 20 chiếm 35% trong khi tỷ lệ SVR CV 50,60 chỉ chiếm 1%, mủ ly tâm là 3% và RSS chiếm 11%.

Trước những hạn chế, tồn tại, Ban Công nghiệp đã có những đề xuất giải pháp và định hướng. Theo đó, các công ty cần tiếp tục mở rộng mô hình thu hoạch mủ tại vườn cây đang thực hiện trong năm 2017; Nâng cao hơn nữa công tác vệ sinh dụng cụ thu hoạch mủ, thùng phải được vệ sinh bằng nước sạch; Đề nghị các công ty giao CN chịu trách nhiệm vệ sinh và phân loại phần mủ của mình tại vườn cây trước khi giao nộp cho tổ đội; Cần thống nhất số lượng, chất lượng mủ nguyên liệu đối với tổ đội trước khi giao về nhà máy.

 Định hướng tỷ trọng sản phẩm phù hợp thị trường

Mặc dù 11 nhà máy của 8 đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên mới được xây dựng, đầu tư nâng cấp trong những năm gần đây. Tuy nhiên, lãnh đạo các công ty tiếp tục có những đầu tư, cải tiến dây chuyền chế biến của đơn vị mình ngày càng tinh gọn, hiệu quả, tiết kiệm hơn. Trong số 11 nhà máy thì hiện có 2 nhà máy là Công ty Chư Păh và Sa Thầy đã tiến hành áp dụng dây chuyền chế biến mủ rút gọn và 3 công ty khác chuẩn bị áp dụng, tức áp dụng quy trình SVR 10, 20 cán ủ trung gian – sử dụng máy cắt miếng 18 dao.

Dây chuyền này được xây dựng nhằm đáp ứng 2 mục tiêu trọng yếu là đáp ứng được quy trình cán ủ trung gian, nhằm làm đồng đều chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí chế biến và chi phí sữa chữa; thứ 2 là phù hợp với mủ đông nguyên liệu “sạch”, đáp ứng được chi phí đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng, chi phí chế biến và giảm mùi hôi phù hợp với yêu cầu trong quản lý môi trường.

Với yêu cầu ngày càng cao về mặt chất lượng của các nhà tiêu thụ cao su trên thế giới, nhất là các hãng vỏ xe    có yêu cầu tiêu chuẩn cao và riêng biệt nên việc xây dựng thương hiệu “Cao su Việt Nam” là tất yếu và đang là vấn đề cấp bách hiện nay.

Phát biểu tại hội nghị, Phó TGĐ VRG Trương Minh Trung, khẳng định: “Từ nay đến năm 2022 VRG sẽ không đầu tư xây dựng thêm dây chuyền chế biến mủ 3L, bởi công suất của các nhà máy thuộc Tập đoàn đã chế biến đến mức tiệm cận của các nhà tiêu thụ cao su thiên nhiên. Song song đó, VRG sẽ tập trung xây dựng thương hiệu “Cao su VRG” và chuyển dịch tỷ trọng các loại sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường”.

Theo định hướng, giai đoạn 2017 – 2020 VRG đặt mục tiêu sẽ sản xuất theo hướng tăng tỷ lệ chủng loại SVR 10, 20; SVR CV 50, 60; mủ ly tâm; cao su tờ xông khói RSS, đồng thời giảm SVR 3L bởi hiện tỷ lệ này đang ở mức cao với 36% nên ẩn chứa nhiều rủi ro.

Cụ thể, tỷ trọng thương hiệu “Cao su VRG” của các đơn vị Tây Nguyên trong năm 2018 trên tổng sản phẩm cao su của công ty như sau: Công ty Krông Buk 10%; Công ty Ea H’leo, Chư Păh, Chư Prông, Mang Yang, Chư Sê và Kon Tum là 12%, trong khi Công ty CP Cao su Sa Thầy chiếm 50%.

Bước sang năm 2019 tỷ trọng này sẽ là Công ty Krông Buk 20%, Công ty Ea H’leo, Chư Păh, Chư Prông, Mang Yang, Chư Sê, Kon Tum là 25% và Sa Thầy đạt 100%. Và đến năm 2020 thì 7 công ty là Krông Buk, Ea H’leo, Chư Păh, Chư Prông, Mang Yang, Chư Sê và Kon Tum đạt 50%.

Văn Vĩnh