40 năm gắn bó với nghề

CSVN – Rất đông bạn bè đã   to nhỏ rủ rê bỏ nghề để đi nơi khác có thu nhập cao hơn, thế nhưng tôi quyết không rời cao su, bởi cao su đã một thời đem lại no ấm và giúp cho gia đình mình giàu có.
Ảnh: Dzũng Nguyễn
Ảnh: Dzũng Nguyễn

Rời Quảng Trị nơi chôn nhau, cắt rốn, mới 17 tuổi đời tôi phải cùng gia đình bước lên con tàu Thống Nhất đi tìm kế sinh nhai nơi đất mới thuộc Nông trường Cù   Bị tỉnh Đồng Nai trước kia. Cực khổ gian truân biết bao ngày phát rẫy chăm chồi để trồng ra cây “vàng trắng”. Thiếu gạo, thiếu cá, thiếu thịt, thiếu rau, cơm thì độn đủ thứ như: bobo, khoai mỳ, bắp đỏ ăn với mắm ruốc, muối mè và rau rừng qua bữa. Song gia đình vẫn bám trụ để khai hoang, rồi từng ngày chứng kiến cao su nảy mầm mà lòng vui như mở hội.

Khi làm lễ mở miệng cạo đầu tiên thì gia đình lại chuyển qua Nông trường Hòa Bình, bây giờ là Công ty Cổ phần Cao su Hòa Bình. Tôi cùng gia đình lại xắn tay vào khai hoang trồng mới. Một lần nữa lại nắng cháy, mưa sình, lại bobo, mắm ruốc để đến khi giọt mủ tý tách rơi vào chén mà hồi hộp, vui sướng, ai cũng nước mắt lưng tròng trong niềm vui khó tả và cũng thật kiêu hãnh bởi tự tay mình khơi dòng nhựa trắng.

40 năm làm nghề thợ cạo thì chỉ được 10 năm cao su được mùa, được giá và cũng 10 năm đó công nhân phơi phới nhà cửa khang trang, sắm xe đời mới, cuộc sống được đổi đời. Mầm xanh đã sinh ra “vàng trắng” xuất khẩu khắp muôn phương, đem ngoại tệ về làm giàu cho quê hương và đất nước.

Từ anh thợ cạo tôi được cử làm tổ trưởng Công đoàn. Rồi sau đó làm đội phó và chuyển qua kỹ thuật từ năm 1985 tới nay. Không một ngày ngơi nghỉ cũng bởi đặc thù của kỹ thuật cao su là phải trực tiếp kiểm tra giám  sát tại vườn cây, coi từng loại đất, từng hố đào đủ quy cách. Rồi đến khâu chọn giống, vô bầu, cắm nọc, bón phân, làm cỏ, nhất là khi khai thác càng phải dậy sớm, thức khuya, đi trước thợ cạo để kiểm tra xem công nhân đã làm đúng, cạo đúng để vừa tăng mủ cho phần cây, vừa bảo đảm không phạm lỗi kỹ thuật.

Đi hết một vòng đời, cây cao su được thanh lý để trồng mới lại, những biến động về giá cả, thu nhập của người công nhân cũng thất thường. Rất đông bạn bè đã   to nhỏ rủ rê bỏ nghề để đi nơi khác có thu nhập cao hơn, thế nhưng tôi quyết không rời cao su, bởi cao su đã một thời đem lại no ấm và giúp cho gia đình mình giàu có. Vẫn tự động viên mình vững niềm tin vào mai này cao su sẽ được mùa, được giá.

(Ghi lại tâm sự của anh Nguyễn Hà – 57 tuổi, kỹ thuật viên Công ty CP Cao su Hòa  Bình).

Vũ Đình Bê (Bà Rịa – Vũng  Tàu)