CSVN – Trong đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo có phần nói về Giải vô địch bóng đá Châu Âu (EURO) diễn ra tại Pháp năm 2016.
Cụ thể, ở mục I, phần Đọc hiểu (3 điểm) có đoạn trích: “Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Một đứa trẻ 3 tuổi chìa con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh đang khóc để dỗ nó. Một cô gái nhăn mặt khi theo dõi bạn mình trên giường bệnh đang chật vật uống một viên thuốc đắng. Mùa EURO 2016 kết thúc với một hình ảnh đẹp: Một cậu bé Bồ Đào Nha tiến tới an ủi một fan người Pháp to gấp rưỡi mình đang ôm mặt khóc vì đội nhà thua trận chung kết. Anh người Pháp cúi xuống ôm cậu bé mà vẫn rung lên nức nở. Cậu đợi anh đi cho tới khi khuất hẳn rồi mới tiếp tục phất cờ mừng chiến thắng”.
Quay lại thời gian cách đây gần một năm, pha lập công duy nhất của tiền đạo Eder trong hiệp phụ giúp Bồ Đào Nha lần đầu tiên trong lịch sử giành chức vô địch Châu Âu. Thất bại của tuyển Pháp trong trận chung kết EURO 2016 khiến người hâm mộ “Những chú gà trống” không khỏi thất vọng. Rất nhiều người đã khóc, trong đó có một cổ động viên người Pháp theo dõi đội nhà thi đấu tại một khu xem tập trung trên đường phố. Cổ động viên này chỉ ngừng rơi lệ và ra về sau khi nhận được sự an ủi của một cổ động viên nhí Bồ Đào Nha.
Hành động của cậu bé khiến tinh thần của cổ động viên người Pháp lập tức phấn chấn trở lại. Anh nghiêng người ôm cậu bé và gửi đến cổ động viên nhí Bồ Đào Nha một nụ hôn lên đỉnh đầu. Nhiều người bình chọn đây là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất của EURO 2016. Hình ảnh đẹp này đã chứng minh rằng bóng đá thực sự có thể xóa nhòa mọi khoảng cách. Đây mới đúng là ý nghĩa đích thực của thể thao. Có thắng có thua, có vui có buồn nhưng điều quan trọng nhất là nó đem mọi người lại gần nhau hơn.
Với câu hỏi ở trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn nhấn mạnh vào sự thấu cảm của con người trong xã hội hiện nay. Hành động của cậu bé Bồ Đào Nha là nét đẹp văn hóa biết chia sẻ khi người khác gặp khổ đau. Đây cũng là điều mà chúng ta đang cần giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong một xã hội mà sự thờ ơ, vô cảm ngày càng phổ biến.
Trung Phong