Đa dạng hóa cây trồng trên quỹ đất cao trình 700m

CSVN – Thực hiện việc đa dạng hóa cây trồng, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm chi phí chăm sóc vườn cây, góp phần ổn định và nâng cao thu nhập cho công nhân, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đã triển khai đa dạng hóa cây trồng trên quỹ đất cao trình 700 m và mang lại lợi ích kinh tế.
Công nhân Nông trường Hòa Bình làm cỏ trên hàng keo lai trồng xen năm thứ 2. Ảnh: Văn Vĩnh
Công nhân Nông trường Hòa Bình (Cao su Mang Yang) làm cỏ trên hàng keo lai trồng xen năm thứ 2. Ảnh: Văn Vĩnh
Trồng xen keo lai lợi nhuận hơn 13 triệu đồng/ha

Công ty Mang Yang hiện đang quản lý 7.803 ha cao su, trong đó diện tích kinh doanh hơn 3.721 ha; diện tích KTCB hơn 3.630 ha và thanh lý tái canh 415 ha (năm 2017). Hầu hết vườn cây công ty nằm trên địa bàn cao trên 700 mét nên sản lượng thấp, năng suất hàng năm chỉ từ 1,1 – 1,2 tấn/ha.

Lãnh đạo công ty cho biết, qua khảo sát đất đai của công ty, có 2.032 ha dưới cao trình 700 mét và hơn 5.770 ha trên cao trình 700 mét (chiếm 74% diện tích), nên có phần hạn chế việc phát triển năng suất vườn cây, dẫn đến thu nhập của người lao động (NLĐ) còn thấp.
Thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đa dạng hóa cây trồng, nâng cao hiệu quả SXKD, góp phần tăng thu nhập cho NLĐ, công ty đã tiến hành trồng xen canh cây lâm nghiệp trên vườn cây.

Cụ thể, năm 2016, Mang Yang trồng tái canh 1.444 ha cao su và đã chọn NT Hòa Bình triển khai trồng thí điểm cây keo lai xen trong vườn cao su tái canh với quy mô diện tích 205 ha. Công ty trồng mật độ 500 cây/ha theo thiết kế hàng kép 2 x 5 x 15m, cây trồng xen cách hàng cao su ≥ 5m.

Một vị đại diện lãnh đạo công ty tính toán, mật độ cây keo lai khoảng 1.140 cây/ha với thiết kế hàng ba 1,3m x 2,5m, hàng cách hàng 5m. Với phương thức đầu tư trực tiếp, trong thời gian KTCB 5 năm, suất đầu tư khoảng 26 triệu đồng/ha, sản lượng củi, gỗ thu được 119 ster/ha, giá bán bình quân hiện tại khoảng 1,1 triệu đồng/tấn, dự kiến doanh thu bình quân 5 năm sau là hơn 46 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân sau thu hoạch hơn 13 triệu đồng/ha, vậy tổng lợi nhuận cho 205 ha khoảng hơn 2,7 tỷ đồng.

“Cây keo lai hiện phát triển tốt. Việc trồng keo lai giúp cải tạo đất, tạo thêm việc làm và thu nhập cho công nhân, đồng thời góp phần giảm suất đầu tư trên vườn cây cao su. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có công ty sản xuất ván sợi MDF từ nguyên liệu trồng rừng nên việc tiêu thụ keo lai rất lớn”, lãnh đạo công ty cho hay.

Sẽ mở rộng diện tích trồng xen cây cà phê

Bên cạnh trồng cây keo lai, Công ty Mang Yang còn triển khai thử nghiệm trồng xen cà phê trên vườn cây. Từ năm 2015, công ty cho trồng xen hơn 44 ha cà phê vối trong vườn cây tái canh, theo hình thức liên kết với CNLĐ trong công ty (giao khoán). Theo đánh giá của lãnh đạo công ty, phần lớn CNLĐ của đơn vị đều có vườn cà phê riêng của gia đình nên đã có kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc cà phê. Vì vậy, việc trồng xen canh cà phê trong vườn cao su tái canh là một hướng đi triển vọng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần ổn định đời sống CNLĐ.

Với phương thức liên kết với NLĐ, ban đầu công ty tham gia một phần chi phí, còn lại người nhận giao khoán chịu chi phí đầu tư. Sau 4 năm, sẽ thu của người nhận giao khoán 350 kg nhân cà phê/ha/năm, tương đương khoảng 11 triệu đồng/ha. Như vậy, sau 1 chu kỳ của cây cà phê (20 năm), công ty sẽ thu được 220 triệu đồng/ha từ việc liên kết trồng xen cây cà phê. Do còn đang thử nghiệm và vị trí trồng phải gần nguồn nước nên công ty chỉ mới thực hiện trồng hơn 44ha. Trong tương lai, công ty sẽ mở rộng quy mô trồng xen canh cà phê khoảng 150 ha.

Ngoài các loại cây lâu năm nêu trên, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang còn triển khai trồng xen các loại cây hoa màu ngắn ngày như khoai lang, bắp, gừng, nghệ… Mỗi năm công ty thu được từ 500 – 700 triệu đồng, tương đương khoảng từ 1- 2 triệu đồng/ha/năm.

Anh Quân