Giá mủ tăng, công nhân phấn khởi

CSVN – Giá mủ cao su có dấu hiệu phục hồi trở lại vào cuối năm 2016 đầu năm 2017. Đây là tín hiệu vui cho ngành cao su nói chung và CN cao su nói riêng và là động lực để CBCNVC – LĐ thêm hăng hái lao động và yên tâm tin tưởng gắn bó với ngành.
Một gia đình CN NT Ia H’lốp (Cao su Chư Sê) chăm sóc vườn tiêu nhà mình. Ảnh: Văn Vĩnh
Một gia đình CN NT Ia H’lốp (Cao su Chư Sê) chăm sóc vườn tiêu nhà mình.Ảnh: Văn Vĩnh
Hân hoan, phấn khởi và đầy niềm tin

Chúng tôi đến Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận vào những ngày đầu năm và ghi nhận không khí lạc quan, phấn khởi. Trò chuyện với chị Trần Thị Doanh – CN khai thác Đội 3, NT Thuận Đức, hồ hởi: “Ngoài việc giá mủ cao su tăng thời gian gần đây, vừa qua tại Hội nghị NLĐ công ty, Ban lãnh đạo đưa ra chỉ tiêu thu nhập người lao động năm 2017 sẽ hơn 7,5 triệu đồng/người/tháng. CN chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi, cố gắng hoàn thành tốt công việc và tin tưởng vào lãnh đạo đơn vị”.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận chia sẻ, sau một thời gian dài giá mủ cao su sụt giảm liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động. Những tháng gần đây, giá cao su tăng người lao động rất vui, phấn khởi và tràn đầy hy vọng. “CNVC-LĐ công ty chúng tôi làm việc với tinh thần hăng hái, hy vọng năm 2017 thu nhập sẽ tăng so với 2016. Bên cạnh đó, tiếp nối những năm trước, năm nay, Cao su Bình Thuận cũng tích cực tổ chức đối thoại  trực tiếp, tuyên truyền những chủ trương chính sách lớn của ngành, của đơn vị để người lao động tin tưởng, vui vẻ, nhiệt huyết gắn bó với đơn vị”, ông Thanh cho hay.

Tại Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, trò chuyện với chị Trần Thị Liên –CN NT 6, chị cho biết từ cuối tháng 1 đến nay, tinh thần làm việc của CN phấn khởi hơn hẳn. “Giá tăng trở lại là điều kiện để người CN hy vọng, tin tưởng mức thu nhập trong năm 2017 sẽ được tăng lên”, chị Liên bày tỏ. NT Bến Củi (Công ty CPCS Tây Ninh) là một trong những đơn vị đang chịu sự cạnh tranh lao động gay gắt do trên địa bàn xuất hiện nhiều khu công nghiệp.

Năm 2016, nông trường phải chuyển một số diện tích sang cạo chế độ D5 do CN nghỉ việc bởi ảnh hưởng từ tiền lương thấp. Tuy nhiên, nhờ những tháng cuối năm giá mủ liên tục tăng và dịp Tết Nguyên đán 2017 được thưởng một khoản tiền kha khá, nên sau Tết, CN trở lại làm việc bình thường, tại nông trường không có người xin nghỉ việc. Tâm sự với chúng tôi, anh Đỗ Bá Tươi – CN Đội C2, NT Bến Củi, cho biết giá mủ tăng trở lại làm cho tinh thần anh em CN rất vui và tràn đầy hy vọng. Anh tin rằng, giá mủ tăng thì công ty có điều kiện hơn để chăm lo đời sống CN.

“Giá mủ tăng lên thì tiền lương và thu nhập CN sẽ đỡ hơn năm rồi. Chúng tôi sẽ an tâm làm việc, tiếp tục gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho đơn vị”, anh Tươi nói. Giá mủ cao su lên khiến tất cả đều phấn khởi, nhưng cũng có người tỏ ra lo lắng: “Lúc nghỉ cạo không có mủ nên giá tăng, vài tháng nữa khi có sản lượng không biết giá có còn thế này không?”, chị Nguyễn Thị Nhung – CN NT Đoàn Kết (Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông), băn khoăn.

CN NT Dục Nông (Cao su Kon Tum) trang bị vườn cây chuẩn bị cho mùa cạo mới. Ảnh: Văn Vĩnh
CN NT Dục Nông (Cao su Kon Tum) trang bị vườn cây chuẩn bị cho mùa cạo mới. Ảnh: Văn Vĩnh

Niềm vui người ở lại Thời điểm giá mủ xuống chạm đáy, một số CN đã nghỉ việc để tìm kiếm một công việc tốt hơn nhưng đa số vẫn quyết tâm bám trụ với ngành, dù thu nhập giảm sút. Họ vẫn tin tưởng giá sẽ phục hồi, “sau cơn mưa trời lại sáng”. Và khi giá bán mủ tăng trở lại, niềm vui đã hiện hữu trên từng gương mặt, trên từng vườn cây, nhà máy.

Cũng là đơn vị nằm trong tình trạng thiếu hụt lao động thu hoạch mủ, năm qua Viện Nghiên cứu Cao su VN phải chuyển đổi chế độ cạo từ D3 sang D4, vườn cây phải sắp xếp, chia lại nhiều lần. Đối với vườn cây cạo thanh lý phải thuê khoán lao động thời vụ bên ngoài. Tập thể CNLĐ của Viện đã nỗ lực rất lớn mới hoàn thành 100% kế hoạch sản lượng khai thác 1.151 tấn mủ. Nhờ giá mủ tăng trở lại và nhất là dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đơn vị thưởng bình quân 6 triệu đồng/người, nên CNLĐ rất phấn khởi.

Theo ông Phạm Văn Dược – Trưởng Trạm Thực nghiệm Cao su Lai Khê, giá mủ tăng đơn vị có điều kiện thuận lợi trong việc chăm lo đời sống CNLĐ và là tiền đề để đơn vị phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017. Còn ông Lê Phi Hùng – TGĐ

Công ty CPCS Phước Hòa, cho hay giá mủ tăng, từ cán bộ quản lý đến CNLĐ ai cũng vui mừng, hy vọng. Những năm giá mủ xuống thấp đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tinh thần làm việc của người lao động, họ phải tính toán, thắt lưng buộc bụng… Ông hy vọng và tin rằng, năm 2017, giá sẽ ổn định và thu nhập người lao động được cải thiện hơn.

Cây nghỉ, người không nghỉ

Tháng 3 đang là mùa nghỉ cạo, nhưng người CN cao su thì vẫn miệt mài lao động, nhất là phát triển kinh tế gia đình. Ghi nhận tại các CTCS khu vực Tây Nguyên cho thấy, mùa nghỉ cạo năm nào cũng vậy, CN nào có nương rẫy thì tập trung chăm sóc cho vườn cà phê, vườn tiêu được tươi tốt, năng suất; còn người không có rẫy thì tìm công việc thời vụ như thu hoạch tiêu, cắt cành, tỉa chồi cho cà phê…

Chị Nguyễn Thị Nhung- CN tổ 8 NT Đoàn Kết (Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang), cho hay: “Nhà tôi có 6 sào cà phê. Một mình chồng làm cũng đủ vì đây không phải là mùa thu hoạch mà chỉ tưới nước, cắt cành và tỉa chồi. Còn tôi thì kiếm thêm việc gì đó làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hai năm nay cứ vào mùa nghỉ cạo, tôi và một vài CN khác đều đi làm thời vụ cho những người có vườn ươm cao su, hay đi thu hoạch tiêu. Hái tiêu thì được 200 ngàn/ ngày, còn làm ở vườn ươm cao su thì được 170 ngàn/ngày”.

Giám đốc NT Đoàn Kết, anh Đoàn Quốc Trung, cho biết: “Hiện nông trường có đến 2/3 số CN là có nương rẫy. Vì thế vào mùa này CN đều ở ngoài rẫy. Nói về thu nhập có khi mùa nghỉ cạo họ lại thu nhập cao hơn khi vào vụ thu hoạch cao su”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đời sống của CN cao su ở Tây Nguyên vào mùa nghỉ cạo khá tốt, bởi hầu hết ai cũng có nương rẫy để làm thêm, kể cả CN dân tộc thiểu số. Người thì làm lúa nước, người trồng chanh dây, cà phê, tiêu và cây hoa màu khác… Nguồn thu từ kinh tế gia đình giúp họ ổn định cuộc sống nên không quá chật vật trong mùa nghỉ cạo.

Bình Nguyên – Quỳnh Mai – Ngọc Cẩm – Văn Vĩnh