Hãy lắng nghe và thấu hiểu

CSVN – Sự tẻ nhạt, nhàm chán, cô đơn… trong chính ngôi nhà của mình là cảm giác không hề dễ chịu. Chúng tôi xin gửi tới quý độc giả một câu chuyện liên quan tới việc giữ gìn tổ ấm gia đình, để mọi người cũng chia sẻ.nguoi-vo
Tâm sự của một người trong cuộc

Chị Hoa (Quận 3, TP. HCM), mắt đỏ hoe, tâm sự: “Tôi biết, câu tục ngữ xưa: “Gái có chồng như gông đeo cổ” tuy không còn chính xác trong xã hội ngày nay, nhưng với tôi vẫn còn giá trị. Tháo bỏ là không thể, muốn nới lỏng cũng chẳng dễ chút nào, thậm chí muốn tâm sự để giải tỏa cũng chẳng biết nói cùng ai. Tâm sự với chồng ư? Chắc chắn anh ấy sẽ nói: “Em thật khó hiểu, sướng mà không biết hưởng!”. Còn với bạn bè cũng đừng mong sự đồng cảm bởi chúng luôn nghĩ tôi là đứa may mắn được chồng nuôi kỹ, nắng không tới mặt mưa không tới đầu, chẳng lo bon chen chuyện gạo tiền cơm áo!”

Mở túi xách. Chị Hoa lấy khăn giấy lau nước mắt. Thút thít một hồi lâu. Chị nói tiếp: “Cái gông” ngày nào tôi vui sướng tự nguyện đeo vào như một món trang sức đáng yêu giờ oằn nặng, vướng víu theo đúng nghĩa đen của nó. Đã từ lâu tôi sống tận tụy với những công việc thầm lặng của một bà nội trợ đảm đang. Đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, đưa đón con đi học…Tất cả vận hành nhịp nhàng như một cỗ máy “30 năm vẫn chạy tốt”.

“Nhưng máy móc dù tốt đến đâu cũng có khi trục trặc…Đó là lúc mọi việc bỗng trở nên nhàm chán, nặng nề và cảm giác mệt mỏi ập đến tưởng chừng không chịu được. Tẻ nhạt, nhàm chán, cô đơn… trong chính ngôi nhà của mình là cảm giác không hề dễ chịu. Tôi thèm thuồng tiếc nhớ thời con gái tự do, thời sôi nổi chưa bỏ việc cơ quan… Tôi muốt vứt bỏ hết để được sống cho mình dù chỉ một ngày như trọn vẹn”.

“Tôi thèm được một lần tụ tập đám bạn cũ “quậy” một bữa tưng bừng, ăn uống hát hò và “tám” đủ chuyện trên trời dưới đất như ngày xưa…Tôi luôn thấy ganh tị với chồng khi những đặc quyền đó giờ anh vẫn nghiễm nhiên được hưởng. Tôi thấy tội nghiệp mình khi chiều chiều lại hồi hộp sợ nhận được tin nhắn: “Anh đi nhậu, về trễ”!”.

“Vẫn biết cuộc sống vốn không hoàn hảo như mình mơ ước, nhưng tôi thấy mình chẳng hề quá đáng khi mong đợi ở chồng mình ít nhất một lần lắng nghe và thấu hiểu. Điều đó đâu quá khó, vậy mà chả bao giờ ổng lắng nghe và hiểu cho tôi…”.

Các bà vợ cần được sự đánh giá cao của chồng

Mỗi người phụ nữ lấy chồng đều là bà chủ trong gia đình, không ở khía cạnh này cũng khía cạnh khác, dù có làm ra tiền hay không, vì người phụ nữ sinh ra là để tổ chức gia đình. Kết nối được mọi thành viên của gia đình trong mọi sinh hoạt dường như là biệt tài của họ. Chẳng thế mà người ta vẫn xem những ngôi nhà toàn đàn ông là cái cơ thể thiếu linh hồn. Ngay cả những ông đi làm kiếm tiền, cũng luôn mong được “nương tựa” vào bàn tay tổ chức của bà vợ làm “nghề” nội trợ.

Khi đánh giá nhu cầu về cảm xúc, tác giả John Gray, thuộc Hiệp hội các nhà tư vấn Mỹ, cho rằng: Đàn bà cần sự quan tâm, đàn ông cần sự tin cậy. Đàn bà cần sự chở che, đàn ông cần sự ngưỡng mộ. Đàn bà cần sự thấu hiểu, đàn ông cần sự chấp nhận. Đàn bà cần sự ổn định, đàn ông thích phiêu lưu, mạo hiểm…

Những cặp đối xứng như thế phản ánh sắc thái tâm lý riêng của từng giới. Điểm chung duy nhất mà cả hai giới đều khao khát là giá trị bản thân. Các ông chồng cần sự đánh giá cao của xã hội về sự nghiệp của mình, trong khi dư luận vẫn coi gia đình hạnh phúc là cái thước chuẩn nhất để “đo đạc” một người phụ nữ “ra phụ nữ”. Vì thế, các bà vợ rất muốn trở thành “cái đinh” trong gia đình, với sự đánh giá cao của ông chồng.

Hà Phương