Phòng trị bệnh trên cao su: Bệnh rụng lá mùa mưa

>>Phòng trừ bệnh trên cây cao su mùa mưa
Bệnh rụng lá mùa mưa

Bệnh do nhiều loài nấm Phytophthora spp gây ra. Tại Việt Nam, 2 loài P. palmivora và P. botryosa là phổ biến nhất. Hai loài nấm này cũng là tác nhân gây bệnh loét sọc mặt cạo. Bệnh gây hại cho vườn cây cao su kinh doanh và KTCB cũng như vườn ương, nhưng nặng nhất cho vườn cây cao su kinh doanh.cs

Bệnh làm giảm 30- 56% sản lượng khi nhiễm nặng. Trong điều kiện nước ta, bệnh xuất hiện vào những tháng mưa dầm ở vùng đất đỏ Đông Nam bộ, Tây Nguyên và miền Trung và gây hại chủ yếu cho vườn cây cao su kinh doanh. Vào thời gian mưa dầm, có sương mù buổi sáng kết hợp với nhiệt độ thấp (26±2oC) trong khoảng ba ngày, bệnh sẽ xuất hiện nặng 5-7 ngày sau đó. Ngoài cây cao su, nấm còn ký sinh nhiều cây thuộc các họ khác nhau.

Triệu chứng đặc trưng là trên cuống lá có cục mủ màu đen hoặc trắng tại trung tâm vết bệnh màu nâu hoặc xám. Lá bị rụng còn xanh gồm cả 3 lá chét và cuống. Đầu cuống lá tiếp xúc với chồi không có mủ và các lá chết dễ dàng rời ra khi lắc nhẹ. Tán lá bị rụng không ra lại mà phải đến mùa ra lá sinh lý hàng năm, điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng quang hợp đưa đến giảm sản lượng trầm trọng.

Trên chồi xanh, đốm bệnh hình bầu dục và có màu nâu đen, nếu bị nặng có thể dẫn đến chết chồi. Trái xanh gần khô là giai đoạn mẫn cảm nhất, vết thâm màu nâu xuất hiện tại phần dưới của trái sau đó lan rộng toàn bộ. Trái bị bệnh khô lại và treo trên cây với những đám nấm màu trắng, đây cũng là nơi nấm tồn tại qua mùa khô và là nguồn bệnh ban đầu.

Chưa có biện pháp hóa học trị bệnh hiệu quả khi bệnh phát sinh. Chỉ có thể hạn chế bệnh bằng cách không trồng các DVT mẫn cảm với bệnh (GT 1, RRIM 600, PR 107, PB 86…) ở những vùng có điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh. Trường hợp vườn cao su non bị bệnh thì sử dụng hỗn hợp của metalaxyl + mancozeb (Vimonyl 72BTN, Mexyl 72WP…) nồng độ 0,2%.

Nếu chồi non nhiễm bệnh phải cắt bỏ phần bị thối và bôi thuốc với nồng độ 2% sau đó bôi vaseline. Trên vườn cây kinh doanh, khi bệnh xuất hiện thì bôi thuốc với nồng độ 2% hoặc chế phẩm LSMC 99 lên mặt cạo để phòng trị bệnh loét sọc mặt cạo.

Bệnh loét sọc mặt cạo

Bệnh do nấm Phytophthora palmivora và P. botryosa gây ra, chúng cũng là tác nhân bệnh gây rụng lá mùa mưa, cho nên bệnh thường nặng ở vùng có rụng lá mùa mưa do nước mưa rửa trôi bào tử xuống mặt cạo. Gây hại trên mặt cạo, bộ phận kinh doanh quan trọng của cây cao su và nguy hiểm nhất vào mùa mưa. Nấm phát tán chủ yếu do nước mưa và tồn tại qua mùa khô trên các vết bệnh cũ. Ngoài ra, nấm có thể tồn tại trong đất thời gian dài mà không mất đi khả năng gây bệnh.

Do đặc tính thu hoạch cao su là thường xuyên tạo vết thương qua những lần cạo nên cũng là cửa ngõ cho nấm xâm nhập. Nấm có khả năng xâm nhiễm sau khi cạo 72 giờ, cho nên xử lý thuốc mang lại hiệu quả cao sau mỗi lần thu hoạch. Bệnh phụ thuộc nhiều vào các yếu tố ngoại cảnh như khí hậu, địa hình, mật độ trồng, đặc tính kháng của từng DVT, chu kỳ và độ sâu cũng như chiều cao miệng cạo.

Khi miệng cạo tiến gần mặt đất bệnh cũng trở nên nặng hơn do có ẩm độ cao và nước mưa đưa nấm từ đất vào. Ẩm độ không khí trên 90%, nhiệt độ thấp (26±2oC) và mặt cạo luôn bị ướt là yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển và lây lan. Đã có ghi nhận nấm trên cây cao su có khả năng gây hại cho sầu riêng, ca cao, tiêu, cam, chanh và ngược lại. Trong điều kiện canh tác cao su tại nước ta, bệnh phổ biến vào mùa mưa tháng 6-11 ở vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên, riêng miền Trung lại xuất hiện tháng 9-1 hàng năm.

Triệu chứng ban đầu không rõ rệt với những sọc nhỏ hơi lõm vào có màu nâu nhạt ngay trên đường cạo và song song với thân cây. Nếu không phòng trị các vết sẽ liên kết lại thành từng mảng lớn, lúc này vỏ bị thối nhũn và có mủ cũng như dịch màu vàng rỉ ra từ vết thương có mùi hôi thối. Dưới ’76ết bệnh có đệm mủ và những sọc đen trên gỗ, lúc này tượng tầng bị hủy hoại và để lộ gỗ, đây là vị trí thuận lợi cho mối mọt xâm nhập làm gãy đổ cây.

Khi cây bị nặng, vết bệnh phá hủy toàn bộ mặt cạo và phát triển lên mặt cạo tái sinh cũng như vỏ nguyên sinh, đưa đến hậu quả làm mất diện tích mặt cạo và khó khăn cho việc thu hoạch mủ sau này. Nếu mặt cạo bị hại nặng có thể làm giảm sản lượng đến 100%.

Để phòng trị bệnh lưu ý không cạo khi mặt cạo còn ướt và cạo phạm vì đó là điều kiện tốt cho nấm xâm nhập. Cạo đúng kỹ thuật và diệt cỏ dại mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt. Một số vùng bị rụng lá mùa mưa và loét sọc mặt cạo nặng nên giảm chu kỳ cạo hoặc nghỉ cạo trong thời gian mưa dầm. Dùng máng chắn mưa hoặc mái che mưa. Sử dụng thuốc metalaxyl + mancozeb (Vimonyl 72BTN, Mexyl 72WP…) nồng độ 2%, phối hợp thêm chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 1,0%; hoặc chế phẩm LSMC 99 quét băng rộng 1-1,5 cm trên miệng cạo sau khi thu mủ.

 Kỳ sau: Bệnh héo đen đầu lá và bệnh đốm mắt chân chim 

 Nguyễn Anh Nghĩa (Viện Nghiên cứu Cao su VN)