Cần quy chuẩn quốc gia quản lý chất lượng mủ nguyên liệu

CSVNO – Hầu hết các đại biểu đến tham dự Hội thảo quản lý chất lượng mủ cao su nguyên liệu do Hiệp hội Cao su VN (VRA) tổ chức chiều 29/6, đều cho rằng cần thiết phải có quy chuẩn quốc gia để quản lý chất lượng mủ cao su. Đây là điều kiện để nâng cao chất lượng sản phẩm và là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp thực hiện.
Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Vũ Phong
Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Vũ Phong

Thông tin từ ông Nguyễn Đức Thuyên – Đại diện Văn phòng phía Nam Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) hiện nay cả nước có đến 161 nhà máy chế biến mủ cao su thiên nhiên. Ngoại trừ 45 nhà máy, xí nghiệp chế biến thuộc VRG có chất lượng đảm bảo, số còn lại chưa được cơ quan nào quản lý chất lượng sản phẩm đầu vào nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

“Lâu nay chúng ta chưa xây dựng được quy chuẩn quốc gia về chế biến mủ. Vì vậy, thiếu cơ sở pháp lý để kiểm tra giám sát chất lượng mủ cao su nguyên liệu”, ông Thuyên chia sẻ.

Nguyễn Đức Thuyên – Đại diện Văn phòng phía Nam Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vũ Phong
Ông Nguyễn Đức Thuyên – Đại diện Văn phòng phía Nam Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vũ Phong

Ông Võ Hoàng An – Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch VRA cho biết, hiện nay VN đã có tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm đầu ra đối với cao su khối và cao su ly tâm, tương đương tiêu chuẩn quốc tế, nhưng chưa có tiêu chuẩn quốc gia cho mủ cao su nguyên liệu đầu vào để làm cơ sở kiểm tra, xử lý sai phạm.

“Hầu hết các chủng loại cao su thiên nhiên của doanh nghiệp quốc doanh đạt tiêu chuẩn quốc gia chủ yếu nhờ quản lý được chất lượng của nguồn mủ nguyên liệu từ vườn cây. Tuy nhiên, đầu vào của các nhà máy tư nhân với nguồn nguyên liệu thu mua chủ yếu từ cao su tiểu điền và qua thương lái có chất lượng chưa đảm bảo, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm đầu ra”, ông An cho biết.

-Chất lượng mủ nước được các công ty thành viên VRG quản lý rất tốt. Trong ảnh: Sản xuất mủ ly tâm tại Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh. Ảnh: Phan Thắng
Chất lượng mủ nước được các công ty thành viên VRG quản lý rất tốt. Trong ảnh: Sản xuất mủ ly tâm tại Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh. Ảnh: Phan Thắng

Ngoài ra, ông An còn đề nghị đối với tiêu chuẩn về nguyên liệu mủ cao su đầu vào cho nhà máy sơ chế cần phải xây dựng tiêu chuẩn cơ sở hoặc tiêu chuẩn quốc gia để tạo điều kiện đảm bảo chất lượng cho sản phẩm đầu ra.

“Sau hội thảo này, VRA sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng về những giải pháp hiệu quả quản lý chất lượng mủ cao su nguyên liệu, đưa ra lộ trình phù hợp cho việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mủ cao su nguyên liệu nhằm giúp các nhà máy có nguồn nguyên liệu đúng tiêu chuẩn, từ đó có điều kiện để sản xuất cao su đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế ”, ông An cho hay.

Đối với các công ty thành viên VRG, theo ông Nguyễn Văn Thái – Phó trưởng Ban Công nghiệp, hiện trạng chung đối với nguyên liệu mủ nước thì hầu hết các công ty đều kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu latex để sản xuất sản phẩm ly tâm, CV, 3L mủ tờ RSS. Với nguyên liệu mủ đông, đa số các công ty có quy trình quản lý nguyên liệu đầu vào tại đơn vị mình. Tuy nhiên, các đơn vị ở miền Đông và Tây Nguyên có chất lượng mủ đông đạt yêu cầu, còn lại các đơn vị khác có chất lượng mủ đông chưa tốt.

-Nguyễn Văn Thái – Phó trưởng Ban Công nghiệp VRG phát biểu thảo luận. Ảnh: Vũ Phong
Ông Nguyễn Văn Thái – Phó trưởng Ban Công nghiệp VRG phát biểu thảo luận. Ảnh: Vũ Phong

Để quản lý chất lượng mủ được đồng đều giữa các đơn vị, hiện nay Ban Công nghiệp đang xây dựng TCCS 111 – Quy định về quy trình quản lý chất lượng và dự kiến ban hành vào cuối năm 2016. Bên cạnh giải pháp về quản lý, VRG còn đưa ra giải pháp về kỹ thuật như quy định về dụng cụ thu hoạch mủ; điểm thu mủ; xe chở mủ; bảo quản đúng quy trình; tiếp nhận tại nhà máy….

Ông Tào Mạnh Cương – Trưởng phòng Quản lý Chất lượng (Công ty PCS Phước Hòa) chia sẻ, là đơn vị thu mua mủ cao su tiểu điền mỗi năm khá nhiều, trong khi chờ một giải pháp quản lý căn cơ từ cơ quan quản lý Nhà nước, Phước Hòa đã phải thực hiện nhiều giải pháp để kiểm tra chất lượng mủ thu mua.

“Doanh nghiệp rất cần có một tiêu chuẩn quốc gia để quản lý chất lượng mủ cao su nguyên liệu. Đây là điều kiện để nâng cấp chất lượng sản phẩm cao su Việt Nam và cơ sở để doanh nghiệp thực hiện”, ông Cương phát biểu.  

Bình Nguyên