Nông sản độc và thông tin “độc”

CSVN – Thực phẩm bẩn, nông sản độc đang trở thành vấn nạn nhức nhối khiến toàn xã hội quan tâm. Bởi vậy, thông tin về vấn đề này đang trở nên hết sức nhạy cảm. Và cách đưa tin thiếu cẩn trọng có thể khiến những người làm ăn chân chính, nhất là nông dân, bị “trúng độc”!
Nhà báo tác nghiệp. Ảnh minh họa.
Nhà báo tác nghiệp. Ảnh minh họa.

Đáng lo là chuyện này xảy ra ngày càng nhiều. Liên tục thời gian qua xuất hiện những thông tin sai sự thật trên báo chí và các trang mạng xã hội liên quan đến nông sản. Những thông tin này gây tác hại tức thì với nông dân.

Đơn cử như tháng 2/2013, bỗng rộ lên tin đồn ăn bắp (ngô) bị ung thư do bắp nguyên liệu ở các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang chứa kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật nhóm clo hữu cơ. Tin này khiến người dân không dám ăn bắp, nhà chăn nuôi cũng không dám mua bắp làm thức ăn gia súc, giá bắp nguyên liệu giảm thê thảm, còn nông dân thì điêu đứng.

Tháng 5/2014, trên mạng xuất hiện tin nông dân xã Kh.Th (Phú Xuyên, Hà Nội) lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí sử dụng cả phân tươi, thuốc kích thích tăng trưởng để trồng rau cần, khiến các hộ dân ở đây không bán được rau, thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Đầu tháng 4/2016, trên một số phương tiện thông tin và mạng xã hội rộ lên tin đồn nhà vườn tại 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang sử dụng túi bao trái của Đài Loan có chứa độc để bọc trái xoài. Tin này xuất hiện ngay vào chính vụ thu hoạch đã khiến giá xoài tại 2 tỉnh này giảm mạnh, nông dân bị lỗ nặng.

Nhưng đến câu chuyện một đài truyền hình dàn dựng cảnh người nông dân dùng chổi quét rau thì đúng là vượt quá sự chịu đựng của người dân và công chúng. Đó không còn là tin đồn mà đó là thông tin “chính ngôn” nên mức độ tác động rất lớn, như một cú đánh trực diện vào người nông dân, khiến dư luận và bản thân người nông dân hết sức phẫn nộ.

Trong thời buổi mạng xã hội phổ biến như hiện nay, thì một thông tin “nóng”, đặc biệt là thông tin về thực phẩm bẩn được phát ra, sẽ lan nhanh như vết dầu loang. Bản thân “bị can” hoàn toàn bất lực trong việc thanh minh và ngăn chặn “cơn bão” về thông tin và chỉ còn biết sự nương cậy vào chính quyền và truyền thông.

Với thực trạng “ai cũng có thể đưa tin” khiến dư luận gần như không thể biết đâu là thông tin đúng, thì vai trò, trách nhiệm của nhà báo và cơ quan báo chí trong việc đưa tin chính xác, trung thực, khách quan để định hướng dư luận là rất quan trọng.

Kiểu đưa tin không kiểm chứng, thiếu cẩn trọng mà vội vã quy kết là rất “độc hại”, gây hoang mang dư luận và người bị “trúng độc” đau đớn nhất vẫn là những người làm ăn chân chính. Một viên đạn lạc có thể chỉ làm bị thương một người, nhưng một thông tin “độc hại” có thể làm vô số người lâm vào cảnh khốn cùng.

Với vai trò, chức năng, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của mình, báo chí cần có sự kiểm chứng mức độ xác thực các thông tin tràn lan trên mạng, để đưa tin chính xác, khách quan, trung thực nhằm định hướng dư luận.

Để hạn chế những thông tin “độc hại”, thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn trong việc kiểm định thông tin. Cùng với đó, cần bổ sung chế tài xử lý, quy trách nhiệm tới cùng đối với những kẻ có hành vi tung tin đồn thất thiệt, xử lý nghiêm tận gốc những những tin đồn thất thiệt gây thiệt hại cho cộng đồng, nhất là người nông dân.

Phú Vinh