Nơi người dân tộc Sơ Rá đặt niềm tin

CSVN – Với những cách làm đơn giản nhưng lại đạt hiệu quả cao, từng bước đi vào lòng người của đội ngũ cán bộ Tổ 6 NT Ngọc Wang, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, người công nhân (CN) đồng bào dân tộc đã từng bước thay đổi tập quán sinh hoạt, tác phong làm việc công nghiệp…Từ đó giúp họ tạo niềm tin cho nơi này.
Lãnh đạo VRG và công ty đến khảo sát vườn cây chất lượng của tổ
Lãnh đạo VRG và công ty đến khảo sát vườn cây chất lượng của tổ
Từ trăn trở của người tổ trưởng

Tổ khai thác 6 nằm trên địa bàn xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, có đến 80% lao động (LĐ) là dân tộc Sơrá sinh sống. Tổ trưởng Nguyễn Thị Hồng Vân đã hết sức lo lắng và trăn trở khi được lãnh đạo giao nhiệm vụ quản lý 93,8 ha và khai thác trên 141 tấn cao su quy khô, năng suất bình quân đạt trên 1,5 tấn/ha, trong khi vườn cây chỉ khai thác năm thứ 3.

Chị Vân giãi bày: “Nhiều khi tôi ăn ngủ không yên vì những khó khăn của tổ, vườn cây thì không đồng đều, CN chủ yếu người dân tộc thiểu số, cùng với đó là rất nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết…Vậy mình phải làm sao để hoàn thành công việc được giao. Để làm được việc này tôi nghĩ cần phải có giải pháp”. Nghĩ là làm.

Ngay khi nhận quyết định trên tay, chị đã tổ chức mời các vị chức sắc ở địa phương cùng họp với anh chị em CN, quán triệt và ký cam kết hoàn thành sản lượng. Không những NLĐ ký cam kết mà các vị chức sắc cùng ký. Do đây toàn bộ là anh em, bà con trong làng, là những người có tiếng nói nên cũng dễ tuyên truyền, vận động con em họ. Sau khi họp và thống nhất, được sự ủng hộ 100% của các vị chức sắc, NLĐ trong tổ cũng ký cam kết.

Chị Vân hiểu rõ những khó khăn của tổ mình là LĐ dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí thấp, nhận thức giữa các CN không đồng đều, có tư tưởng làm được chừng nào ăn chừng đó… Nhưng với quyết tâm cao của lãnh đạo NT, Tổ 6 và sự hợp tác tích cực của các Già làng, Trưởng thôn nên tình hình từng bước đã dần thay đổi. Với suy nghĩ và quyết tâm ấy, chị đã chỉ đạo CN trang bị vật tư cho vườn cây một cách nghiêm túc. 100% cây cạo được trang bị máng chắn mưa.

Bên cạnh đó, chị Vân còn trực tiếp đi kiểm tra từng cây cạo để xem CN đã trang bị cho cây đúng quy định, đủ và chất lượng chưa, cây nào chưa đạt thì trang bị lại. Do đó, suốt mùa mưa năm 2015 vườn cây của tổ không mất một lát cạo nào.

Ngoài ra, công tác kỹ thuật cũng được ban lãnh đạo Tổ 6 chú trọng bằng việc thường xuyên kiểm tra tay nghề CN, hướng dẫn cho họ cách cạo mủ cho sản lượng cao, uốn nắn ngay trên vườn cây khi phát hiện cạo phạm, cạo lỗi…Từ đó vườn cây khai thác của Tổ 6 luôn đạt chất lượng, trình độ tay nghề CN luôn ở mức khá trở lên.

 Tập tục, thói quen người đồng bào dần thay đổi tích cực

Tuy người CN địa phương còn nhiều tập tục lạc hậu, hủ tục nhưng bù lại họ rất chăm chỉ, chịu thương chịu khó, triển khai việc gì là thực hiện ngay…

Tổ trưởng Nguyễn Thị Hồng Vân cho hay: “Mới đầu quả thật rất khó điều hành vì tập tục tự làm tự ăn, không muốn nghe ai nói. Những ngày đầu đi cạo rải rác, không đúng quy định. Nhưng một thời gian sau, khi tổ thường xuyên quán triệt và đưa ra những quy chế về giờ giấc, thời gian nên dần CN đã đi vào ổn định, đi cạo đúng giờ và hoàn thành công việc của mình đúng quy định”.

“Cùng với đó để linh hoạt trong quản lý, chúng tôi đã điều động CN cạo bù, cạo choàng cho một số CN dân tộc khi gia đình, trong làng có ma chay, cưới hỏi. Nhờ vậy nên tổ chúng tôi đã không bỏ lát cạo nào”, chị cho biết thêm. Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa NT, tổ và NLĐ, năm 2015 là một năm Tổ 6 đạt được nhiều thành tích nhất từ trước tới nay.

Cụ thể, đến hết ngày 3/12/2015 tổ đã hoàn thành kế hoạch được giao, về đích trước 28 ngày. Đến ngày 25/12 người CN cuối cùng trong tổ cũng về đích. CN vượt sản lượng cao nhất đạt 127,15% và CN vượt thấp nhất cũng đạt 102,64%. CN người dân tộc tại chỗ vượt cao nhất là Y Ra Đa với sản lượng khai thác đạt 114,51%.

Bài, ảnh: Gia Linh