Khơi thông tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn

CSVN – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực từ ngày 1/8/2015. Điểm đáng chú ý nhất của Nghị định này là cá nhân, tổ chức được vay vốn ngân hàng (NH) từ 50 triệu đến 3 tỉ đồng mà không cần tài sản thế chấp. NH và bên vay thỏa thuận lãi suất, thời hạn vay, trong đó khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) đối với lĩnh vực nông nghiệp, lãi suất không quá 7%/năm.
 Nghị định 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn hy vọng tiếp sức cho doanh nghiệp, nông dân phát triển nông nghiệp.
Nghị định 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn hy vọng tiếp sức cho doanh nghiệp, nông dân phát triển nông nghiệp.

Theo Nghị định 55, đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; góp phần thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao thông qua việc quy định các tổ chức đầu mối tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp… Các đối tượng này được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70% – 80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.

Nghị định 55 cũng quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm…

Việc ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhằm góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng NH; tạo điều kiện thuận lợi để làm giàu từ nghề nông, góp phần từng bước tạo ra sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn.

Nghị định 55/2015/NĐ-CP ra đời được người làm nông nghiệp nhiệt tình ủng hộ. Đây cũng là động thái cụ thể để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan ngại là sau khi vay tín chấp, nếu chẳng may hộ nông dân, doanh nghiệp gặp thiên tai, dịch bệnh, mất mùa… dẫn đến mất khả năng trả nợ thì NH đối mặt nguy cơ mất vốn vì không có “phao cứu sinh” là tài sản thế chấp.

Để xử lý tình huống này, Nghị định 55 cho phép NH cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới. Theo đó, nếu khách hàng chưa trả được nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, NH sẽ cơ cấu lại thời hạn trả và giữ nguyên nhóm nợ. NH cũng căn cứ vào tính khả thi của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh để xem xét cho vay mới, giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, tiến tới trả được cả nợ cũ và nợ mới.

Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, UBND tỉnh, thành phố sẽ đánh giá cụ thể thiệt hại. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ cho phép NH khoanh nợ không tính lãi 2-3 năm. Số tiền lãi mà NH không thu được sẽ do ngân sách Nhà nước cấp tương ứng.

Tuy nhiên, để chủ động ứng phó mọi rủi ro, lãnh đạo một số NH khuyến cáo người vay tín chấp nên mua bảo hiểm sản xuất nông nghiệp. Khi đó, NH sẽ giảm lãi suất cho vay ít nhất là 0,2%/năm nhằm bù đắp phí bảo hiểm cho khách hàng.

T.K