Hạ giá thành nhờ tăng năng suất và giảm chi phí

CSVN – Trong giai đoạn khó khăn, việc làm thế nào để hạ giá thành sản xuất luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các đơn vị. Nông trường Túc Trưng (TCT CS Đồng Nai) đã xác định tăng năng suất vườn cây và tiết giảm chi phí sản xuất là hai biện pháp chính để hạ giá thành sản xuất. Nhờ đó, giá thành bình quân trên một tấn sản phẩm năm 2014 của nông trường chỉ 22 triệu đồng/tấn.
Tại Hội nghị tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2014 của Công ty TNHH MTV TCT Cao su Đồng Nai, NTCS Túc Trưng đã được tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc toàn diệ Ảnh: Quỳnh ai
Tại Hội nghị tổng kết công tác sản xuất kinh doanh năm 2014 của Công ty TNHH MTV TCT Cao su Đồng Nai, NTCS Túc Trưng đã được tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc toàn diện
Ảnh: Quỳnh Mai
Tiết kiệm 14 tỷ đồng giá thành so định mức trong 5 năm qua

Là đơn vị có địa hình tương đối phức tạp, vườn cây của nông trường trải dài 14km dọc hai bên quốc lộ 20, vườn cây nằm đan xen với nhiều cụm dân cư và đất rẫy của dân cư địa phương nên quá trình điều hành sản xuất tại đơn vị gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm của lãnh đạo TCT và sự đoàn kết, chung lưng đấu cật của tập thể CBCNVC – LĐ, thời gian vừa qua đơn vị đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Cụ thể, trong 5 năm qua, Nông trường nhận chỉ tiêu kế hoạch khai thác 12.410 tấn, thực hiện 13.287 tấn, vượt 877 tấn, đạt 107,06%. Năng suất bình quân 1,7 tấn/ha/năm, năm 2014 đạt 1,9 tấn/ha. Giá thành bình quân trên một tấn sản phẩm là 29.345.000đ/tấn/năm. Đặc biệt, bằng việc thực hiện nhiều biện pháp thiết thực có hiệu quả, năm 2014 giá thành thấp nhất xấp xỉ 22 triệu đồng/tấn.

Trong 5 năm qua, nông trường đã tiết kiệm giá thành so với định mức khoảng 14 tỷ đồng. Năm 2014 vừa qua cũng là năm nông trường về trước kế hoạch sản lượng 35 ngày. Với những kết quả khả quan đó, thu nhập của NLĐ được đảm bảo, thu nhập bình quân trong 5 năm đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng.

Kỹ thuật vườn cây đặc biệt quan tâm

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt – Bí thư Đảng bộ, Giám đốc NTCS Túc Trưng, kỹ thuật vườn cây là khâu đơn vị đặc biệt quan tâm, nhất là tập trung hướng dẫn CN thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đối với từng nhóm cây được quy định. Bên cạnh đó, tổ chức cho cán bộ tổ trưởng thường xuyên kiểm tra CN, nhất là CN tay nghề yếu kém. Đồng thời, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật thường xuyên kiểm tra giám sát mỗi tháng 2 lần để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, từng bước nâng cao tay nghề cho CN.

Bà Nguyệt chia sẻ: “Có được kết quả ngày hôm nay là nhờ công sức phấn đấu, nỗ lực chung của tập thể NLĐ. Nông trường cũng xác định, con người là yếu tố quan trọng để tạo thành công, vì vậy chúng tôi rất lưu tâm đến vấn đề này, phải làm thế nào để tạo được sự tin tưởng trong tập thể NLĐ, để họ yên tâm công tác và cống hiến cho công việc”.

“Nông trường xác định phấn đấu tăng năng suất vườn cây, hạ giá thành sản xuất là biện pháp sống còn trong việc duy trì SXKD, bảo đảm thu nhập cho NLĐ. Đó cũng là mục tiêu, hướng phấn đấu của đơn vị trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Muốn năng suất vườn cây khai thác ngày càng tăng thì yếu tố quan trọng hàng đầu là vườn cây khi đưa vào mở cạo, phải có tỷ lệ cây cạo cao, đạt từ 80% trở lên”, bà Nguyệt chia sẻ thêm.

Để đạt được điều này, theo bà Nguyệt, đòi hỏi công tác trồng mới và chăm sóc vườn cây XDCB được thực hiện nghiêm túc, cạo đúng quy trình kỹ thuật, đúng phác đồ mặt cạo, thực hiện tốt công tác định mức sản phẩm cho từng công nhân. Ngoài ra công tác bảo vệ sản phẩm mủ được thực hiện nghiêm ngặt và chặt chẽ, áp dụng những kỹ thuật hỗ trợ giúp tận thu mủ trên vườn cây.

Đồng thời, đơn vị tiết kiệm trong suốt quá trình sản xuất như: vận động công nhân bảo quản tốt vật tư cũ để trang bị lại, tính toán hợp lý cung đường vận chuyển mủ để giảm chi phí vận chuyển mủ, phun thuốc trị bệnh cho cây đúng bệnh, đúng thuốc, đúng thời điểm và đúng liều lượng.

Minh Nhiên- Phan Thắng