Đừng nghỉ việc hưởng lợi trước mắt!

 Gần đây, tình trạng CN nghỉ việc hưởng chế độ trong lúc tiền lương thấp do giá mủ giảm diễn ra ở một số đơn vị. Điều đáng buồn là một bộ phận CN này chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt từ việc nhận được “cục” tiền trợ cấp thôi việc mà quên đi nghĩa tình “nặng nợ” với cây cao su và cả việc gây thêm nỗi lo cho doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay. Sau đây là ghi nhận và phân tích của CTV Tạp chí CSVN về vấn đề này.
Từ những thông tin hành lang thiếu căn cứ…

Ở đơn vị tôi CNLĐ truyền tai nhau, nếu năm nay không nghỉ việc sang năm 2015 có nghỉ việc cũng không được nhận tiền trợ cấp thôi việc (!). Gặp lúc đơn vị gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, do giá mủ cao su quá thấp, tiền lương chi trả cho CNLĐ giảm. Vậy là tin đồn thất thiệt ấy lan nhanh níu người này, người nọ cùng nhau xin nghỉ việc để hưởng lợi trước mắt.

Được biết, có CN nghỉ việc nhận tiền trợ cấp thôi việc trên 60 triệu đi mua một cặp bò (1 bò mẹ, 1 bê con) còn dư chục triệu chẳng mua được gì thì đã hết. Chăn nuôi bò cũng phải có vốn đầu tư ít nhất vài trăm triệu đồng và nuôi bò đàn từ 10 con trở lên mới có lãi (một con bò giống tương đối chưa đẹp lắm giá khoảng 40 triệu đồng). Nếu nuôi lẻ một vài con bò cũng đâu có dễ ăn, mưa gió cũng phải đi chăn, rồi cắt cỏ cho ăn thêm, mua cám cho uống… Nếu suôn sẻ nuôi trong một năm bò mẹ sinh ra được 1 hoặc 2 bê con, thì trừ chi phí tiền cám, công cán bỏ ra tính chi li còn lỗ – Một chủ trang trại bò ở xã Xà Bang (H.Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết.

Có CN thấy người ta nghỉ, rồi cũng làm đơn xin nghỉ chạy theo phong trào. Nghỉ việc ở nhà trồng tiêu mà đất đai được vài sào. Trồng tiêu cũng phải chịu khó chăm sóc, đầu tư phân bón, thuốc men… đặc biệt về mùa nắng phải có đủ lượng nước tưới giữ độ ẩm ướt gốc, rễ tiêu. Nhưng để có thu hoạch cũng mất từ 3 – 4 năm. Vậy lấy đâu ra tiền để trang trải cuộc sống cho mấy năm chờ đợi. Thấy không ăn, chạy đi kiếm việc để có cái sinh nhai. Vì tuổi lớn, lại không có trình độ chuyên môn nên chẳng nơi nào nhận. Loay hoay chưa tìm được việc thì cục tiền nghỉ việc cũng đã cạn.

Thu nhập ngoài lương từ 150 – 200 triệu/năm vẫn không có ý định nghỉ việc

Chị Nguyễn Thị Giáng Châu – CN Tổ 2, Đội I (NT Xà Bang, Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa) bộc bạch: “Mỗi năm vườn tiêu nhà tôi thu hoạch từ 1,5 – 2 tấn, theo như giá tiêu hiện nay thì có lãi từ 150 – 200 triệu/năm. Nhưng tôi vẫn quyết định không nghỉ việc”. Chị Châu vào làm công nhân năm 1986, đến giờ là 28 năm, gia đình có 2 cháu. Cháu lớn tốt nghiệp ra trường làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân ở trong huyện. Cháu nhỏ (10 tuổi) đang học lớp 5. Chồng ở nhà làm vườn, nhưng mỗi ngày cũng ra lô cạo và trút mủ phụ vợ xong mới về nhà làm việc.

 Chị Nguyễn Thị Giáng Châu có thu nhập từ kinh tế phụ 150 -200 triệu đồng/năm vẫn chưa có ý định nghỉ việc

Chị Nguyễn Thị Giáng Châu có thu nhập từ kinh tế phụ 150 -200 triệu đồng/năm vẫn chưa có ý định nghỉ việc

Chúng tôi đặt vấn đề với thâm niên 28 năm, gia đình lại có nguồn thu nhập dồi dào, chị có nghỉ việc cũng tốt thì chị bộc bạch: “Do nặng nợ với cao su anh ơi. Khi mình nghèo phải thắp đèn dầu, có lúc còn không có dầu để mà thắp sáng. Ăn cơm, con cái học hành phải đốt đuốc mủ dây (cành cao su cuộn mủ dây xung quanh rồi nhúng trong nước mủ đem phơi nắng – NV), phương tiện đi lại chiếc xe đạp cũng không mua được. Bây giờ cuộc sống với đầy đủ tiện nghi sung túc…Nhà xây thay nhà vách lá cứ mọc lên san sát nhau và đổi thay từng ngày. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư bao phủ khắp các nông trường xa xôi hẻo lánh. Tất cả cũng do sản phẩm mủ cao su… “vàng trắng” tạo dựng nên”.

Hiện nay thương trường cao su gặp khó khăn, thì chắc gì các ngành khác thuận lợi? Nếu chọn giải pháp nghỉ việc để hưởng lợi trước mắt thì không nên. Mặc dù gặp khó khăn nhưng đơn vị vẫn chăm lo tốt về tiền lương đủ đảm bảo cuộc sống nếu CNLĐ chắt chiu tiết kiệm, được chăm sóc chế độ độc hại, phần ăn bồi dưỡng giữa ca, tiền thưởng vào các dịp lễ, Tết… Đặc biệt, là chăm sóc sức khỏe khám chữa bệnh.

Hơn nữa, CNLĐ phải vững vàng tư tưởng, bởi Luật về chế độ chính sách cho người lao động khi được ban hành lúc nào cũng có lợi cho người lao động trước tiên. Đừng nhẹ dạ cả tin vào những thông tin hành lang thất thiệt và thiếu căn cứ… làm mất đi chính công ăn, việc làm của mình.

Bài, ảnh: Nguyễn Củ Cải