Đến nay, nhiều công ty tại Tây Bắc và Campuchia đã gần đến thời điểm thu hoạch mủ. Vì vậy, việc quy hoạch lộ trình xây dựng nhà máy chế biến (NMCB) tại các công ty trở nên cấp thiết. Mỗi vùng có một đặc thù khác nhau nên việc thu hoạch mủ vận chuyển về nhà máy trung tâm, chủng loại sản phẩm, vị trí xây dựng NMCB, áp dụng công nghệ chế biến thế nào để hợp lý là những vấn đề được đặt ra.
Thu mủ nước hay mủ đông?
Đối với địa hình bằng phẳng, cung đường vận chuyển thuận lợi như ở Lào và Campuchia tạo điều kiện tốt cho việc thu mủ nước chở về NMCB. Tuy nhiên, với địa hình đất dốc ở Tây Bắc, vấn đề đặt ra là thu mủ nước hay mủ đông. Theo ông Lại Văn Lâm – Trưởng ban Quản lý Kỹ thuật VRG: “Với đặc thù địa hình đất dốc, diện tích phân tán nên việc thu mủ nước rất khó nên tôi đề nghị phương án cho phép để mủ đông tại chén rồi thu sau vài nhát cạo, như thế sẽ thuận tiện cho người công nhân và chế biến chủng loại sản phẩm sau này cũng dễ dàng hơn, với phương án này thì nước thải cũng được phân tán một phần”.
Đối với những vùng buộc phải thu mủ nước thì tiến hành đánh đông và cán phân tán theo cụm trước khi chở về NMCB. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Hòe – Phó TGĐ VRG cho rằng, nếu để mủ đông tại chén thì với địa hình khó khăn rất khó bảo vệ, rất dễ xảy ra trộm cắp. Vì vậy phương án để mủ đông tại chén nên thử nghiệm ở một diện tích nhất định, không nên đưa ra áp dụng đại trà.
Công nghệ cán phân tán, sấy tập trung
Theo Ban Công nghiệp VRG, các NMCB tại Lào, Campuchia nên áp dụng công nghệ lạng khối, công nghệ này đã áp dụng tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê và có kết quả tốt, tạo ra mủ RSS1 trên 80%, DRC dưới 20%, chất lượng sản phẩm rất tốt. Theo đánh giá của Ban, nếu các công ty Tây Nguyên sử dụng công nghệ này thì vấn đề xuất khẩu dài hạn của Tây Nguyên nằm trong tầm tay. Dự kiến trong quý II năm nay Ban sẽ hoàn chỉnh công nghệ và đưa vào áp dụng tại Công ty Tân Biên – Kampong Thom, Quasa, Lai Châu.
Với những địa hình đất dốc, diện tích chia cắt, cung đường vận chuyển khó khăn như Tây Bắc thì công nghệ cán phân tán, sấy tập trung là phương án khả thi nhất. Tức là, mủ sau khi thu ở vườn cây sẽ được đưa về tại các điểm cán phân tán để cán sơ bộ, sau đó chuyển đến điểm sấy tập trung. Với diện tích 300 ha cao su là có thể thành lập một điểm cán phân tán, với quy mô 300 – 500 tấn/năm, các điểm cán phân tán ưu tiên đặt gần tổ, đội, diện tích xây dựng điểm cán phân tán dưới 300m2.
Lợi thế của công nghệ cán phân tán là số nước tiêu hao chỉ khoảng 1m3 – 2m3 cho 1 tấn sản phẩm, chất thải xử lý biogas. Với công nghệ cán phân tán này có hai phương án, phương án thứ nhất là sử dụng công nghệ tấm lắc rời. Phương án thứ hai đánh đông trong khay như Ấn Độ, Thái Lan. Nếu không có điện thì dùng máy nổ, tạo tờ USS sau đó đưa về sấy tập trung. Tại các điểm sấy tập trung cũng trang bị luôn hệ máy cán để chế biến cán tờ cho các vùng lân cận.
Lâm Khanh
Related posts:
- Cao su Dầu Tiếng bổ nhiệm giám đốc NT Minh Hòa
- Khởi công xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Nam Pleiku
- Mời góp ý Dự thảo Quy chế Hội thi bàn tay vàng 2016
- Các công ty Đông Nam bộ có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, thu nhập ổn định
- Nhãn hiệu “Cao su Việt Nam” được bảo hộ quốc tế
- Cao su Chư Păh trao thưởng cho 71 công nhân vượt sản lượng tháng 11
- Kiến nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trồng cao su ở Campuchia
- Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo quản lý
- Để ngành gỗ bứt phá
- Cao su Đồng Phú, Tây Ninh mừng công hoàn thành kế hoạch